Cắt trợ cấp đối với một số đơn vị sự nghiệp công

(ĐTCK-online) Thực hiện hạch toán chi phí đối với đơn vị sự nghiệp công, nếu không có biện pháp mạnh, bắt buộc thì chắc chắn sẽ chẳng có đơn vị nào thực hiện. Bởi chẳng ai muốn quẳng đi "bình sữa" từ trước đến nay vẫn được Nhà nước cung cấp, kể cả các đơn vị có nguồn thu lớn để có thể tự hạch toán độc lập. Đây là lời khẳng định của một chuyên gia tài chính tham gia dự thảo Quy định về thí điểm thực hiện chế độ hạch toán chi phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Cần có lời giải cho bài toán xã hội hoá giáo dục, y tế và ổn định an sinh xã hội. Cần có lời giải cho bài toán xã hội hoá giáo dục, y tế và ổn định an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, dự thảo Quyết định thí điểm thực hiện hạch toán chi phí là một bước đi, nhằm nâng cao hơn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ công, là động thái mạnh mẽ nhằm biến "lời kêu gọi" xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao... thành hiện thực. Đồng thời, nó cũng có thể thay đổi phương thức hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển phương thức hoạt động từ bao cấp sang hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khuyến khích các đơn vị này từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi "bình sữa" bị đập bỏ, các đơn vị có sống khoẻ hay yếu dần?

Thực tế hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập tồn tại ở nhiều dạng khác nhau như: có nguồn thu, không có nguồn thu ổn định, thu đủ bù đắp chi phí hoặc chỉ bù đắp được một phần chi phí, phần còn lại được Nhà nước hỗ trợ... Nếu thực hiện chuyển đổi thẳng các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện về tài chính. Bên cạnh đó, một số bệnh viện, trường đại học, cao đẳng có điều kiện về tài chính, tổ chức..., có nhu cầu chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể, nên còn nhiều lúng túng trong việc xác định chủ trương cũng như biện pháp thực hiện. "Vì vậy, xác định và khu biệt rõ đối tượng cần chuyển đổi là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ trước khi ban hành Quyết định, làm sao đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với người dân và người lao động trong các đơn vị đó", vị chuyên gia trên khẳng định.

Vậy đối tượng nào nằm trong diện thực hiện chuyển đổi? Theo Bộ Tài chính, trước tiên sẽ lựa chọn một số đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện về tài chính, để thực hiện thí điểm hạch toán đầy đủ chi phí như doanh nghiệp. Theo đó, đối tượng áp dụng được xác định là các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp đảm bảo 80% tổng kinh phí thường xuyên trở lên; các đơn vị phải có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán, có điều kiện thực hiện hạch toán chi phí đầy đủ; không phải là những đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

So với cơ chế hiện hành, Dự thảo Quyết định có sự khác biệt lớn, đó là các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp hàng hoá, dịch vụ công phải tính toán đầy đủ các nội dung chi phí như doanh nghiệp (trước đây không cần tính) như: chi phí về tiền lương, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí về lãi vay huy động vốn… Nếu đã hạch toán đầy đủ những chi phí như trên mà đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đảm bảo cân đối thu - chi và có chênh lệch, thì mới tính đến việc chuyển đổi. Ngoài ra, khi thực hiện hạch toán chi phí, các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ nhiều hơn trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính của đơn vị vào mục đích cung cấp hàng hoá, dịch vụ công như: chủ động mua sắm trang thiết bị phù hợp với nhu cầu của đơn vị; huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; tham gia liên doanh, liên kết để mở rộng hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ công (không bó hẹp trong phạm vi đặt hàng của Nhà nước)...

Tuy nhiên, khi thực hiện quyết định này, cũng có thể xảy ra một số khó khăn với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế; vì nguồn thu sự nghiệp chủ yếu từ học phí, viện phí theo mức thu do Nhà nước quy định; những nguồn thu này không đủ bù đắp chi phí trong quá trình thực hiện các dịch vụ phúc lợi công cộng. Thực tế là hiện nay, ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo một phần chi phí thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập loại này; trong khi đó, mức thu học phí, viện phí mới vừa được khởi thảo đã vấp phải sự phản đối khá mạnh từ dư luận. Xét ở một góc độ khác, để có điều kiện thực hiện thí điểm hạch toán chi phí, các đơn vị thực hiện thí điểm phải được phép quyết định mức thu đảm bảo bù đắp chi phí thường xuyên và khả năng chấp nhận của xã hội. Khi các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế thực hiện tăng học phí, viện phí liệu có được xã hội chấp nhận? Và sẽ rất khó để đảm bảo hài hoà được chính sách về giáo dục - đào tạo, chế độ viện phí - bảo hiểm y tế dành cho người nghèo…

Trên đây là những vấn đề mà các cơ quan quản lý sẽ phải nghiên cứu rất kỹ trước khi đề nghị ban hành Quy định trên. Bởi đó là vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến đời sống của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Bài toán giữa cắt bỏ trợ cấp từ Nhà nước cho các dịch vụ công và ổn định an sinh xã hội đang cần một lời giải thấu đáo.

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ