Cắt margin TNA, điều gì là bất thường?

(ĐTCK) Thông báo được cho là lỗi kỹ thuật từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) về việc cắt margin cổ phiếu TNA của Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam với lý do kết quả kinh doanh giảm sút, nợ vay cao và có yếu tố tạo lập giá và thanh khoản xuất hiện trên website Công ty mới đây, được xem là trường hợp khá hi hữu. 
Cắt margin TNA, điều gì là bất thường?

MBS đã rút lại thông báo ngay sau đó, nhưng mã TNA vẫn bị cắt margin từ ngày 2/10 tại công ty chứng khoán này. Trước đó, MBS cấp margin cho TNA tỷ lệ là 30%, áp dụng từ 3/6/2019.

Theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, mã TNA được nhiều công ty chứng khoán cấp margin, tỷ lệ dao động 20-50% như ACBS, PHS, VPS, SHS, BVSC, VCBS, KIS, MBKE…, nhưng cũng có nhiều công ty loại TNA khỏi danh mục cho vay gồm SSI, HSC, VCSC, VDSC...

Một môi giới của SSI cho biết, từ cuối tháng 2/2019, SSI đã cắt tỷ lệ margin cho TNA từ 30% về 0% vì cổ phiếu này không đáp ứng tiêu chí về thanh khoản, cũng như phân tích cơ bản.

Không khó để đánh giá TNA với hoạt động chính là kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu mặt hàng thép đang gặp nhiều khó khăn, một phần do khó khăn của ngành này.

Kết thúc nửa đầu năm 2019, TNA với số vốn điều lệ hơn 340 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 23 tỷ đồng, chỉ bằng 50,46% so với cùng kỳ 2018.

Nguyên nhân chính là do lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại tăng cao hơn khiến chi phí lãi vay gia tăng.

Ðồng thời, quý II/2018, TNA có tất toán một số khoản đầu tư bất động sản và hạch toán lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, trong khi kỳ này Công ty không ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến nào.

Nhìn vào báo cáo tài chính của TNA có thể thấy sự mất cân đối giữa tài sản ngắn hạn là 1.261 tỷ đồng và tài sản dài hạn chỉ có 251 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản.

Trong tài sản ngắn hạn, tồn kho 701 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn là 487 tỷ đồng (trong đó có 388 tỷ đồng phải thu của khách hàng), chiếm tỷ trọng 86%.

Như vậy, khoản vay nợ của TNA chủ yếu để tài trợ cho khoản phải thu và hàng tồn kho.

Với tình hình thị trường thép khó khăn như hiện nay, rủi ro giảm giá hàng tồn kho khá cao và khả năng nợ chuyển đổi thành nợ xấu ăn mòn lợi nhuận mỏng của TNA là khá lớn.

Ở mức nhẹ nhàng hơn thì chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng cho TNA như đang diễn ra. 

Một cổ phiếu bị loại khỏi danh mục margin của công ty chứng khoán khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn là việc bình thường, nhưng ở TNA, điều không bình thường nằm ở chỗ, sau nhiều năm thanh khoản chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/phiên thì bỗng nhiên bùng nổ vào giai đoạn cuối năm ngoái đến tháng 9/2019.

Mỗi ngày có hàng trăm nghìn cổ phiếu, cá biệt có phiên lên đến 1,3 triệu cổ phiếu được trao tay (phiên 12/9/2019) và thị giá TNA tăng gần 42% giai đoạn này, từ 9.800 đồng/cổ phiếu lên 13.900 đồng/cổ phiếu.

Mức tăng giá này được hỗ trợ bởi thông tin TNA chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Thương mại phát triển Sài Gòn 268 (Công ty Phát triển dự án Happy Home Cà Mau).

Theo TNA, số vốn Công ty đã đầu tư cho dự án là 119,7 tỷ đồng, tương đương 22,5% vốn điều lệ dự án. Giá trị chuyển nhượng là 244,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, khả năng quý III/2019, TNA sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng vốn ở công ty liên kết này.

Thanh khoản và giá cổ phiếu tăng lên, nhưng từ tháng 3/2019 đến nay, cổ đông nội bộ, người có liên quan và cổ đông lớn TNA bán cổ phiếu khá sôi động.

Cắt margin TNA, điều gì là bất thường? ảnh 1

Cụ thể, bà Trần Thị Ðan Thanh, vợ ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNA bán tổng cộng 2 đợt, với số lượng 3,72 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,75% số cổ phiếu đang lưu hành.

Trước đó, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thiên Nam Hòa, Công ty do ông Hòa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng bán hơn 730.000 cổ phiếu và không còn là cổ đông của TNA.

Nhà đầu tư Phạm Minh Hoàng trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,75% vốn vào ngày 25/6/2019 khi mua thành công 1,97 triệu cổ phiếu TNA, nhưng sau đó đã bán 320.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,82% và không còn là cổ đông lớn. Tương tự, cổ đông lớn Hồ Nam Huy cũng mua vào - bán ra đáng kể mã TNA, hiện không còn là cổ đông lớn.

Về giao dịch của khối ngoại, Quỹ PYN bán 270.290 cổ phiếu vào ngày 12/9, giảm tỷ lệ sở hữu về 4,62% và không còn là cổ đông lớn của Công ty.

Thống kê sơ bộ, sau các giao dịch trên, cổ đông lớn của TNA hiện có: Chủ tịch Nguyễn Quang Hòa sở hữu 12,73%; hai con gái ông là Nguyễn Trần Thảo Nguyên sở hữu 16,76% và Nguyễn Trần Thảo Hương sở hữu 8,38%.

Cắt margin TNA, điều gì là bất thường? ảnh 2

Giao dịch mã TNA sôi động có phải là lý do để nghi ngờ cổ phiếu TNA “bị tạo lập”?

Thông thường, lợi nhuận đột biến chỉ là lý do nhất thời tác động đến giá cổ phiếu TNA, nên việc cổ đông lớn bán cũng là dễ hiểu. Xét ở góc độ quản trị rủi ro, việc một số công ty chứng khoán cẩn trọng với dòng tiền margin mã TNA là hợp lý.

Ngay sau khi sự cố thông tin của MBS xảy ra, ngày 1/10, bà Trần Thị Minh Trang, Thành viên HÐQT TNA, đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.

Trước đó, bà Trang chưa chính danh sở hữu cổ phiếu TNA nào. Ðây có thể xem như động thái trấn an nhà đầu tư của cổ đông nội bộ. Giao dịch TNA những ngày tới đang là câu chuyện mở trên thị trường.

Hiểu Lam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục