Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành: Chuyển biến chậm

Đã hết quý I/2019, hai tuần đầu tháng Tư cũng sắp qua, nhưng chưa có thêm một chuyển biến, cải cách nào đáng kể trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Chưa có thêm một chuyển biến, cải cách nào đáng kể trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Chưa có thêm một chuyển biến, cải cách nào đáng kể trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Có lẽ cũng không quá sớm khi đặt câu hỏi các bộ, ngành có thực hiện được yêu cầu phải rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước tháng 6/2019 hay không.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021, trong quý I/2019, chưa có một văn bản quản lý kiểm tra chuyên ngành mới nào được ban hành. Chỉ có một số văn bản được ban hành từ trước, có hiệu lực thi hành trong quý này.

Nghĩa là, phần lớn nỗi ám ảnh của doanh nghiệp với nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nguyên, đi cùng với đó là gánh nặng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chưa kể, một số văn bản mới có hiệu lực lại đang làm khó thêm doanh nghiệp do quy định thiếu rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa hải quan và doanh nghiệp, thậm chí gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp hơn trước. Trong số này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 2 thông tư; Bộ Công thương có 1 thông tư.

Nhưng, những tác động tiêu cực từ các quy định kiểm tra chuyên ngành không phù hợp không chỉ làm một số doanh nghiệp khổ sở. Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2019 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đứng thứ 100/190 nền kinh tế được xếp hạng về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, giảm so với thứ hạng 94 và 93 của hai lần xếp hạng trước đó.

Trong Tài liệu hướng dẫn về Chỉ số Môi trường kinh doanh của WB mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành theo yêu cầu của Nghị quyết 02/2019, chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đo lường thời gian và chi phí (không bao gồm thuế quan) gắn với ba loại thủ tục.

Cụ thể, khi đo lường chi phí và thời gian tuân thủ các thủ tục hồ sơ; tuân thủ các thủ tục qua biên giới và vận tải nội địa trong quy trình chung thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu một lô hàng, doanh nghiệp ở Việt Nam phải mất 55 giờ tuân thủ các thủ tục qua biên giới và 290 USD để xuất hàng (không kể thời gian và chi phí chuẩn bị hồ sơ). Để nhập một lô hàng, thời gian và chi phí tương tự là 56 giờ và 373 USD.

Nếu bóc tách kiểm tra chuyên ngành, thì dù có nhiều cải cách về thủ tục, nhưng tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4.

Có thể hiểu đơn giản là, một doanh nghiệp mất trung bình 28 giờ để tuân thủ kiểm tra chuyên ngành đối với nhập khẩu hàng hóa vào các nước thuộc ASEAN 4. Doanh nghiệp này sẽ phải bỏ ra gấp gần 3 lượng thời gian trên nếu vào Việt Nam. Tình hình diễn ra tương tự với hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Như vậy, việc chưa có thêm chuyển biến, cải cách đáng kể nào trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp tục làm mất đi lợi thế cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp Việt Nam, mà môi trường kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng. Chưa kể việc cắt giảm các thủ tục này cũng là cam kết mà Việt Nam đã đưa ra khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục