Trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh đang còn nhiều vấn đề.
Theo VCCI, tại thời điểm xây dựng phương án, VCCI từng góp ý, trong đó đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đối chiếu với phương án hiện tại thì hầu hết các đề xuất của VCCI đều chưa được tiếp thu và VCCI cũng không nhận được bản giải trình lý do không tiếp thu.
Vì vậy, để hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh thực hiện một cách thực chất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo Bộ Tài chính cân nhắc mở rộng quy định của Dự thảo theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không chỉ giới hạn trong phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, cân nhắc các kiến nghị về bãi bỏ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính theo đề xuất trước đó của VCCI.
Theo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu trong lĩnh vực tài chính là 370 điều kiện, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện, chiếm tỷ lệ 52,2%.
Đây được xem là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính; cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần này của Bộ Tài chính.
Trước đó, góp ý với Đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, VCCI thẳng thắn chỉ ra rằng, một số đề xuất chưa rõ về phương án, một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm, một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để trong khi một số đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể.
Theo VCCI, một số trường hợp được “cắt giảm” trong phương án dựa trên những lý do hình thức và về bản chất thì vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh. Cùng với đó vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp nhưng chưa được đưa vào phương án cắt giảm.
Nhiều điều kiện kinh doanh được đánh giá để đưa ra đề xuất trong phương án chưa thực sự dựa vào việc xem xét, phân tích hiện trạng với tính chất cần phải có của một điều kiện kinh doanh (theo ý nghĩa chỉ nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng). Vì vậy, phương án vẫn bỏ sót nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.
Ngoài ra, việc chỉ xem xét các điều kiện kinh doanh cụ thể khiến cho phương án không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về sự cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh của một số loại ngành nghề kinh doanh.
Nói cách khác, phương án chưa xem xét việc: liệu trong lĩnh vực tài chính có những ngành nghề kinh doanh nào hiện đang được coi là ngành nghề có điều kiện trong khi thực chất không ảnh hưởng đáng kể tới các lợi ích công cộng, và do đó không cần phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh?