Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất sửa 9 Luật để giảm giấy phép con

9 Luật hiện hành, theo Tổ tư vấn kinh tế, đang phát sinh hàng chục vướng mắc gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp nên cần sửa. 
Sản xuất trong dây chuyền lắp ráp của một doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: AP. Sản xuất trong dây chuyền lắp ráp của một doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: AP.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng mới đây, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết trong quá trình rà soát các quy định pháp luật hiện hành đã phát hiện 37 vướng mắc liên quan tới chuẩn bị, thực hiện dự án của doanh nghiệp. 

Các quy định bất cập này nằm lẩn khuất tại 9 luật, gồm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Vì thế, Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng đề nghị sửa 9 luật này, một số văn bản dưới luật liên quan..., nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.  

Chẳng hạn đó là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Nhà ở chồng chéo.

Hay phát sinh mâu thuẫn trong đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; xung đột về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Cho rằng việc cắt bỏ những điều kiện kinh doanh trên có thể "làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó", song Tổ tư vấn nhìn nhận, quá trình cải cách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp không thể không làm.

Tại cuộc họp liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh tại các bộ, ngành, số liệu của Tổ công tác Chính phủ cho thấy, mới có 9 Bộ có tỷ lệ cắt giảm trên 50% là Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục & Đào tạo, Lao động, Thương binh & Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Xây dựng, Y tế.

Riêng Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước chưa đạt 50% nhưng do các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý mang tính đặc thù, việc đơn giản hóa, cắt giảm phải bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục