Cấp thiết giảm thuế nhiên liệu

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 13/6/2022, giá bán lẻ xăng dầu tăng phiên thứ 6 liên tiếp và tiếp tục lập đỉnh. Có lẽ, sức chịu đựng của doanh nghiệp và nền kinh tế trước sức ép tăng giá xăng dầu đã đến ngưỡng.
Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường

Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ 3 lần giảm giá (ngày 21/3, 1/4 và 12/4), còn lại cứ 10 ngày một lần, giá xăng dầu bán lẻ “cần mẫn leo dốc” và ngày càng bỏ xa mức giá từng được coi là “đỉnh lịch sử” xác lập lập ngày 7/7/2014 (25.640 đồng/lít với xăng E5 và 26.140 đồng/lít với xăng RON95).

Trái ngược với năm 2020, giá xăng dầu liên tục tăng kể từ đầu năm 2021. Đối phó với tình trạng trên, hàng loạt quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm giá xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Còn tại Việt Nam, dù năm 2021, giá bán lẻ xăng dầu tăng tới 16 lần, nhưng giải pháp duy nhất vẫn là sử dụng Quỹ Bình ổn, sử dụng tiền của người tiêu dùng để cố gắng kiểm soát giá xăng dầu - tức là lấy “mỡ nó rán nó”. Kết quả là giá xăng dầu đã tăng tới 41% so với năm 2020.

Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới, từ nước lớn đến nước nhỏ, từ cường quốc kinh tế đến những quốc gia thu nhập thấp đã và đang sử dụng tối đa mọi giải pháp để kìm cương giá xăng dầu. Các giải pháp được áp dụng gồm giảm thuế nhiên liệu; trợ cấp cho hoạt động giao thông, người có thu nhập thấp; trợ giá xăng dầu, áp giá trần; giảm tất cả các loại phí và lệ phí đánh vào mặt hàng này.

Riêng Việt Nam, mãi đến ngày 1/4/2022 mới áp dụng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, với mức giảm 700 - 2.000 đồng/lít, nên chỉ sau 3 lần điều chỉnh, “liều thuốc” giảm thuế nói trên không đủ liều lượng và bị vô hiệu hóa khi giá bán lẻ mặt hàng này cao hơn so với trước khi giảm thuế.

Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và OPEC+ vẫn cương quyết không tăng sản lượng khai thác theo yêu cầu của các nước lớn khiến giá vàng đen trên thị trường thế giới trở nên rất khó dự đoán.

Mới đây, các định chế tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs dự báo, giá dầu sẽ sớm vượt mốc 135 USD/thùng; JPMorgan Chase dự đoán, giá dầu có thể chạm mức 185 USD/thùng vào cuối năm nay; Barclays cảnh báo giá dầu sớm muộn cũng lên mức kỷ lục 200 USD/thùng…

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường. Song nhiều khả năng, hai giải pháp mà Bộ Tài chính dự kiến thực hiện sẽ không giúp gì nhiều trong việc kìm hãm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, bởi lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu chỉ chiếm 20-25% tổng lượng tiêu thụ và thuế nhập khẩu hiện chỉ ở mức 8%.

Thuế bảo vệ môi trường đã hạ kịch sàn đối với dầu hỏa, dư địa để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và diezel cũng không còn nhiều (500-1.000 đồng), nên ngay cả khi giảm tối đa thuế thì chỉ sau một lần điều chính, việc giảm thuế... cũng như không.

Yêu cầu giảm các sắc thuế còn lại đánh vào xăng dầu đã được nhiều đại biểu Quốc hội gửi đến người đứng đầu ngành tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định trước Quốc hội: “Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là phải chống được lạm phát” và muốn chống được lạm phát thì phải “tăng năng lực sản xuất, kinh doanh”, tức phải hạ được chi phí đầu vào, trong đó phải kìm hãm được đà tăng của xăng dầu vì xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế.

Nhưng người đứng đầu ngành tài chính cũng chưa biết làm cách nào để giảm thuế vì Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không có điều khoản nào quy định giảm thuế trong trường hợp có biến động từ bên ngoài gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Vì vậy, muốn giảm thuế chỉ còn cách sửa luật, tức người tiêu dùng, doanh nghiệp phải đợi ít nhất 5 tháng, thậm chí lâu hơn.

Ngày 13/6/2022, giá bán lẻ xăng dầu tăng phiên thứ 6 liên tiếp và tiếp tục lập đỉnh. Có lẽ, sức chịu đựng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trước sức ép tăng giá xăng dầu đã đến ngưỡng. Vậy cần làm gì để giảm được giá bán lẻ mặt hàng được ví như là máu của nền kinh tế? Làm gì để hỗ trợ hoạt động giao thông, đánh bắt xa bờ, hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp?

Đây là câu hỏi cấp thiết và cũng là trách nhiệm đặt ra với các cơ quan chức năng trong bối cảnh không thể chờ sửa luật. Việc xử lý vấn đề này, ngoài sự linh hoạt của các cơ quan chức năng, còn đòi hỏi “phải nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và các giải pháp” - như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV liên quan tới việc giảm thuế xăng dầu.

Người dân đang trông chờ những đề xuất cụ thể của Bộ Tài chính cùng những quyết định càng sớm càng tốt của các cơ quan có thẩm quyền.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục