Cấp bách triển khai thu phí cao tốc

0:00 / 0:00
0:00

Dự kiến tháng 12/2020, Thường trực Chính phủ sẽ họp cho ý kiến dự thảo quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Hệ thống đường cao tốc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đường cao tốc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là chủ trương lớn, có tác động sâu rộng không chỉ với nhà đầu tư; người tham gia giao thông trong giai đoạn trước mắt, mà cả với chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ 10 - 20 năm tới.

Cần phải khẳng định rằng, hệ thống đường cao tốc có vai trò đặc biệt to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đem lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh - quốc phòng… Tuy nhiên, đầu tư đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, vì vậy cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc. Cũng bởi vậy, việc bổ sung quy định thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sau khi chi các khoản duy tu, bảo dưỡng, sẽ tiếp tục tái đầu tư vào các tuyến cao tốc mới là rất cần thiết.

Cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã cơ bản hoàn tất quá trình xây dựng dự thảo quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Vấn đề còn lại là thời điểm triển khai chủ trương này.

Cụ thể, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo quy định này lo ngại rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, thì việc đặt vấn đề thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ khó nhận được sự đồng thuận cao. Với lý do nói trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu đưa nội dung nào vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2021.

Được biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc nghiên cứu, tổ chức thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Gần đây, tại Thông báo số 275/TB-VPCP, ngày 6/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Việc triển khai thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết (như ý kiến của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long); yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1100/VPCP-CN, ngày 23/4/2020”.

Trong khi đó, dù Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo pháp luật về phí, lệ phí, nhưng theo Văn bản số 4152/TTKQH-QPAN ngày 2/12/2020 của Tổng thư ký Quốc hội, thì có 52,39% tổng số đại biểu Quốc hội thống nhất chọn ý kiến về thời điểm thông qua Luật vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Như vậy, trường hợp Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thông qua vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thì thời gian Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực dự kiến sớm nhất là năm 2022.

Nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính, gần 600 km đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tiếp tục bị thả trôi ít nhất 2 năm nữa. Điều này sẽ chất thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong 5 năm tới. Đó là chưa kể việc chậm thu phí ngày nào sẽ càng kéo dài sự không công bằng trong xã hội do người hưởng dịch vụ tốt hơn lẽ ra phải trả phí.

Nhiều người trong chúng ta còn thói quen được bao cấp, nhưng trong nền kinh tế thị trường có những sản phẩm giá rẻ hoặc cho không, song vẫn có sản phẩm buộc phải trả tiền thì mới có. Càng kéo dài sự ỉ lại này sẽ càng khó triển khai các chính sách thu phí với các dịch vụ tương tự như đường cao tốc trong tương lai.

Phát triển đường cao tốc là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại với những lợi ích đã được chứng minh. Do vậy, cần phát triển đường cao tốc bằng cả ngân sách lẫn vốn xã hội hóa.

Chúng ta không thể hài lòng đã có 1.000 hay 2.000km đường cao tốc là đủ, mà phải cần nhiều hơn để đi lại nhanh hơn, thuận tiện, an toàn hơn.

Chúng ta cũng không thể cứ đi vay vốn ODA về làm đường cao tốc, rồi đi lại miễn phí để sau này con cháu trả nợ. Thế hệ này đi đường cao tốc thì trả chi phí đầu tư để có tiền đầu tư hệ thống đường cao tốc tốt hơn cho con cháu mai sau.

Đây chính là đạo lý trong sử dụng, phân bổ nguồn lực, theo đó, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là thí dụ điển hình.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục