Cấp bách gỡ “thẻ vàng” cho hải sản

0:00 / 0:00
0:00
Tháng 4/2024 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” cho hải sản trước khi EU bầu cử. Nếu không thành công, Việt Nam có thể phải chờ đợi nhiều năm nữa, thậm chí đối mặt với nguy cơ nhận “thẻ đỏ”.

Bị phạt “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy, hải sản sang EU giảm mạnh

Sau hơn 6 năm nỗ lực với 4 đợt thanh tra của của Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU cho hải sản Việt Nam vẫn chưa được thực hiện.

Tháng 4/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam lần thứ 5. Đây được coi như cơ hội cuối cùng để hải sản Việt Nam lấy lại uy tín tại châu Âu nói riêng cũng như trường quốc tế nói chung, trước khi châu Âu tiến hành bầu cử Nghị viện vào tháng 6/2024. Bởi sau khoảng thời gian này, EU phải ổn định thể chế trước khi xem xét các vấn đề liên quan tới hải sản Việt Nam.

“Nếu không gỡ được thẻ vàng trong thời gian sắp tới, thì có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt thẻ đỏ, bị hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng khác”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại một hội nghị trực tuyến tổ chức mới đây.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Các quốc gia bị EC phát hiện có hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ phải chịu “thẻ vàng”, đồng thời cần tập trung nguồn lực để khắc phục. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, các quốc gia này có thể đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản sang 27 nước thuộc thị trường EU, tương đương với mức “thẻ đỏ”.

Tháng 10/2017, Việt Nam bị châu Âu phạt thẻ vàng IUU trong lĩnh vực khai thác hải sản. Thông tin này được công bố rộng rãi trên các tạp chí và website chính thức của EU, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của ngành thủy, hải sản Việt Nam.

Trong suốt thời gian từ đó đến nay, 100% container hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian thông quan kéo dài từ 2 đến 3 tuần, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Điều này cũng kéo theo tỷ trọng thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU suy giảm theo từng năm.

Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, năm đầu tiên bị EU cảnh cáo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu thủy, hải sản sang thị trường này chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam. Năm 2018, con số này là 14% và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU đạt 952 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,6%.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, việc hải sản Việt Nam bị “thẻ vàng” IUU gây ra tác động tiêu cực, khiến kim ngạch xuất khẩu của Công ty sang thị trường EU giảm tới 70%. Tuy nhiên, Công ty vẫn luôn cố gắng tuân thủ quy tắc và các tiêu chí chống khai thác bất hợp pháp để giữ vững thị trường.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Nghi Sơn Food Group chia sẻ, từ khi EC áp “thẻ vàng” IUU đối với hải sản Việt Nam, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ của hải sản, hoạt động xuất khẩu hải sản của Công ty vào thị trường này gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm, nhưng chi phí lại tăng. Đáng chú ý, quy định chống khai thác IUU của EC cũng đã được Nhật Bản và Mỹ áp dụng, nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản càng khó khăn hơn nữa.

Thời gian không còn nhiều

Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hành động để kiểm soát tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, như lắp đặt thiết bị theo dõi với tàu cá có chiều dài 15 m trở lên; liên tiếp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có hành vi khai thác IUU, thậm chí đã có 1 trường hợp bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Từ thời điểm EC tiến hành đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10/2023 đến nay, cả nước có 17 tàu với 190 ngư dân vi phạm IUU, bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý.

Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối giám sát hành trình (VMS) vẫn xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp.

Thời gian từ nay đến tháng 4/3024 không còn nhiều. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” IUU trong năm 2024, hoạt động xuất khẩu sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục