Lợi thế không ngừng gia tăng
Với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Tận dụng lợi thế này, Thành phố đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại với cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, đường sắt.
Không dừng lại ở đó, Hải Phòng tiếp tục nâng cấp và xây mới thêm nhiều công trình để trở thành trung tâm logistics quốc tế. Trong năm 2023, Hải Phòng tập trung triển khai một số dự án trọng điểm như: nhà ga hành khách số 2 và nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, với nguồn vốn huy động hơn 2.400 tỷ đồng; cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 với tổng vốn 1.350 tỷ đồng... Dự án bến cảng số 3-4 (hơn 6.940 tỷ đồng) và số 5-6 (hơn 6.400 tỷ đồng) thuộc hệ thống Cảng quốc tế Lạch Huyện đang được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng cũng liên tục được cải thiện, khi 3 năm liên tiếp nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất (theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Nhờ đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với Hải Phòng liên tục tăng trưởng.
Nhu cầu vẫn rất lớn
Từ nay đến năm 2025, Hải Phòng sẽ phát triển thêm 15 khu công nghiệp, thu hút 12-15 tỷ USD. Với tốc độ thu hút đầu tư tham vọng như vậy, việc phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái sẽ là giải pháp rất quan trọng để bất động sản công nghiệp Hải Phòng gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Nguồn vốn FDI trong các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, phải kể đến một số nhà đầu tư như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 7 dự án, tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD (chưa kể các dự án phụ trợ đi kèm), Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) với dự án có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD, Tập đoàn Regina Miracle (Hồng Kông) có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, hay Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) có vốn đầu tư 800 triệu USD...
Có thể thấy, không có lời quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư nào hiệu quả và đáng tin cậy bằng những minh chứng cụ thể từ các doanh nghiệp FDI đã thành công tại Hải Phòng. Nhờ đó, trong 2 năm 2021 và 2022, dù bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng Hải Phòng vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Từ thực tế kinh doanh, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Hiện, chúng tôi có khoảng 1.840 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê, nhưng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư đã nhanh chóng tăng lên tới 2.000 ha. Điều đó có nghĩa phải mở rộng nhanh chóng để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”.
Ở góc nhìn khác, khi đánh giá về tiềm năng thu hút FDI vào Hải Phòng, ông Paul Tonkes, Phó giám đốc bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Kajima Development, chủ đầu tư Core5 Việt Nam, cho rằng: “Câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt là sau Covid-19”.
Trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có sự chuyển biến mạnh về chất lượng, Hải Phòng đã có sự điều chỉnh định hướng phát triển các KKT, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN chuyên sâu. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền chia sẻ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp coi biến đổi khí hậu, môi trường là một vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ. Nguồn vốn FDI chất lượng cao sẽ tìm kiếm các nền kinh tế đang phát triển chú trọng tuân thủ các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
“Việc phát triển các KCN thế hệ mới, đặc biệt là KCN sinh thái là xu thế là tất yếu. Hải Phòng đang coi đó là điểm quan trọng để quyết định lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đảm bảo môi trường bền vững”, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý KKT Hải Phòng khẳng định.