Cao su Đà Nẵng (DRC) phòng thủ khi thị trường gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nguyên liệu thấp kỷ lục, nhưng tiêu thụ gặp khó, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đang chọn chiến lược giảm hàng tồn kho, tăng nắm giữ tiền mặt.
Cao su Đà Nẵng (DRC) phòng thủ khi thị trường gặp khó

Đối phó khó khăn trước mắt

Quý II vừa qua, giá cao su thiên nhiên - nguyên liệu đầu vào chiếm từ 80 - 84% giá vốn của các doanh nghiệp săm lốp - được giao dịch ở vùng giá thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay, có thời điểm giá chạm đáy 130 JPY/kg.

Dẫu vậy, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) lại báo cáo quý kinh doanh kém khả quan, với doanh thu 788,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 43,2 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 28% và 39,2% so với cùng kỳ năm 2019.

DRC lý giải, kết quả kinh doanh suy giảm mạnh là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các thị trường tiêu thụ của Công ty.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, DRC ghi nhận doanh thu 1.592 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,1% và 8,3% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả này, DRC mới chỉ hoàn thành 36% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2020 của DRC, giới đầu tư nhìn thấy rõ sự thận trọng của doanh nghiệp khi giảm nợ vay, giảm mạnh tồn kho để chuyển đổi thành tiền mặt.

Cụ thể, so với đầu kỳ, doanh nghiệp đã giảm 179,4 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn về mức 501,3 tỷ đồng, tương ứng giảm tỷ trọng nợ vay trên tổng nguồn vốn từ 25,1% về mức 19,6%. Nhờ giảm nợ vay, chi phí tài chính 6 tháng đầu năm đã giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2019, về mức 39 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm áp lực nợ vay, DRC thực hiện chiến lược giảm tồn kho, giảm khoản phải thu ngắn hạn để chuyển đổi sang tiền mặt. Cụ thể, Công ty đã giảm được 197,5 tỷ đồng tồn kho, giúp tỷ lệ tồn kho trên tổng tài sản giảm từ 42,6% về mức 37,3% so với đầu kỳ. Doanh nghiệp có thuyết minh chi tiết là giảm nguyên liệu, vật liệu, hàng mua đang đi trên đường và thành phẩm.

Tương tự như vậy, khoản phải thu của DRC cũng giảm nhẹ 9,6 tỷ đồng, về mức 132,8 tỷ đồng.

Đối ứng với tồn kho và khoản phải thu giảm xuống là sự gia tăng của khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Cụ thể, lượng tiền và đầu tư tài chính tăng thêm 195,9 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên mức 241,6 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền và tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn đã tăng từ 1,7% lên mức 9,4% tổng tài sản.

Với những biện pháp như vậy, có thể thấy DRC đang giảm chi phí tài chính, gia tăng dự phòng tiền mặt để đối phó với những diễn biến khó lường của môi trường kinh doanh.

Vẫn đau đầu vì “đầu ra”

Dẫu vậy, vấn đề lớn nhất mà DRC và các doanh nghiệp cùng ngành săm lốp cao su đang gặp phải là thị trường xuất khẩu đang gặp thách thức lớn.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD. Săm lốp cao su Việt Nam được xuất vào 153 thị trường, trong đó Mỹ chiếm 50,4%, Brazil chiếm 3,4%, Nhật Bản chiếm 3,1%, Malaysia chiếm 3,1% và các quốc gia khác như Đức, Ấn Độ, Hà Lan…

Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ là CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Công ty Cao su Kenda và DRC.

Riêng với DRC, trong năm 2019 đã xuất khẩu sang 35 quốc gia trên thế giới, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu.

Thị trường xuất khẩu đóng góp 43% vào tỷ trọng tổng doanh thu của Công ty. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Brazil chiếm 37% tổng doanh thu xuất khẩu.

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính của DRC  là các nước Nam Mỹ, châu Âu… Đây đều là các khu vực dịch Covid-19 tàn phá rất nặng nề.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 525 triệu USD sản phẩm nói trên sang thị trường nước này. Dự kiến, việc điều tra sẽ được tiến hành trong vòng 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng.

Trong quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.

Động thái này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm săm lốp ô tô Việt Nam, vốn đang gặp khó trong việc tìm đầu ra do ngành công nghiệp ô tô của nước này bị đình trệ.

Việc gia tăng tiền mặt, giảm tồn kho sẽ giúp DRC đối phó với những khó khăn trước mắt, nhưng nếu thị trường xuất khẩu không sớm khôi phục, đà suy giảm sâu của DRC là điều không khó dự báo.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục