Cách TP. Cao Lãnh khoảng 10 km, huyện Cao Lãnh gần đây được nhiều du khách biết đến nhờ Lễ hội xoài Đồng Tháp và Làng du lịch Mỹ Xương. Khung cảnh rợp bóng mát của vườn xoài, hòa vào không gian mây trời, sông nước đã thu hút du khách.
Du khách thích thú với tour du lịch trải nghiệm, thưởng thức những món đồng quê ở các điểm du lịch sinh thái tại Làng du lịch Mỹ Xương, hay tham gia tour từ Làng du lịch Mỹ Xương di chuyển xuống tàu khám phá sông Tiền, tham gia hoạt động dở chà (bắt cá sông); tham quan các điểm vườn cây ăn trái... Nhiều du khách bất ngờ khi ở Cao Lãnh có một tour du lịch thú vị đến thế và cho biết, họ rất thích thú vì được tận hưởng được cảm giác trở về với thiên nhiên, sống chậm lại.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, du khách đến từ TP.HCM, những tour du lịch theo hình thức và lịch trình ngắn như thế này rất phù hợp với hoạt động trải nghiệm, nghỉ dưỡng của gia đình vào những dịp cuối tuần. Cao Lãnh đủ sức quyến rũ bất kỳ du khách khó tính nào với vẻ đẹp xanh tươi của vườn quả, ao cá, những đường làng rợp bóng cây xanh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho hay, huyện có gần 10 điểm du lịch nông nghiệp và di tích lịch sử, trong đó các điểm vườn, khu du lịch sinh thái chiếm hơn 2/3. Các điểm vườn trải đều ở các xã trên địa bàn, tập trung nhiều ở xã Mỹ Xương, Bình Thạnh, Mỹ Long... Việc phát triển du lịch không chỉ phát huy được tiềm năng của vườn cây ăn trái, mà còn giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm từ khai thác du lịch.
Việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp đã góp phần giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cao Lãnh được nâng lên. Chính vì vậy, quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Mách, chủ vườn sinh thái Tư Mách (xã Mỹ Xương) cho biết, nhờ sự khuyến khích của địa phương, gia đình ông làm du lịch từ năm 2022. Gia đình ông có 12.000 m2 trồng xoài Cát Chu, khi chưa làm du lịch, kinh tế vườn phụ thuộc thời giá nên bấp bênh. Hai năm nay, nhờ kết hợp làm du lịch nên thu nhập của gia đình ổn định hơn.
“Chúng tôi phục vụ du khách bằng những việc làm hàng ngày như hướng dẫn khách tham quan vườn, giới thiệu đến du khách về quá trình hình thành, canh tác mô hình “Cây xoài nhà tôi”, hướng dẫn cách canh tác, bao trái, thu hoạch xoài; phục vụ các món ăn đồng quê”, ông Mách nói.
Một trong những điều thú vị của du lịch tại huyện Cao Lãnh, đó là tính cộng đồng, người nông dân nơi đây luôn có sự liên kết giữa các hộ gia đình, cùng tham gia các hoạt động và chia sẻ lợi nhuận, không tập trung riêng vào hộ nào. Chẳng hạn, tại Làng du lịch Mỹ Xương có 4 hộ tham gia làm du lịch, thì hộ này làm dịch vụ tham quan, hộ kia làm sản phẩm về di tích, hộ khác làm dịch vụ ăn uống, liên kết hỗ trợ nhau... Từ đó, tạo sự gắn kết giữa các hộ dân trong một không gian du lịch nông nghiệp, mang về nhiều lợi ích cho người dân và tạo thêm nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Cao Lãnh.
Việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp đã góp phần giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Chính vì vậy, quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch. Huyện sẽ áp dụng các chính sách thí điểm khai thác dịch vụ du lịch hỗ trợ người dân; quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức về làm du lịch, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp cho người dân. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kết nối tour du lịch với Sa Đéc xây dựng nhiều điểm đến cho du khách; hình thành 1 tour 2 ngày 1 đêm tại địa phương để khai thác tối đa hiệu quả du lịch sinh thái tại địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, ông Nguyễn Thế Hồng Trung cho biết, để phát huy lợi thế sẵn có, định hướng trong thời gian tới, huyện Cao Lãnh tập trung phát triển những cây ăn trái có tiềm năng trở thành cây trồng chủ lực gắn với phát triển du lịch nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao hơn.
Đến năm 2030, toàn huyện phấn đấu diện tích cây ăn trái đạt 12.430 ha, sản lượng 146.000 tấn, trong đó, cây xoài 7.111 ha, sản lượng 64.320 tấn; cây có múi 1.433 ha, sản lượng 26.332 tấn; nhãn 159 ha, sản lượng 2.527 tấn. Phấn đấu diện tích cây ăn trái hữu cơ đạt khoảng 65 ha; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 60 - 70%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 80 - 90%...
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Cao Lãnh tập trung đầu tư hạ tầng vùng trồng cây ăn trái chủ lực. Trong đó, xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; phát triển theo định hướng thị trường, vùng có điều kiện đất đai, sinh thái phù hợp; tránh phát triển tự phát. Đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn phù hợp với quy hoạch của từng địa phương; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế, đóng gói sản phẩm trên cơ sở đề xuất và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.