Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp Chi Lăng

0:00 / 0:00
0:00
Để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Chi lăng (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và nhiều di tích văn hóa, lịch sử in đậm chiến công hiển hách của dân tộc. Chi Lăng cũng là xã đầu tiên vượt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lạng Sơn.

Đoàn đại biểu tham quan Ải Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Đoàn đại biểu tham quan Ải Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, nhất là các sản phẩm di lịch nông thôn, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Du khách check-in tại vườn bưởi. (Ảnh: Hồ Hạ)

Du khách check-in tại vườn bưởi. (Ảnh: Hồ Hạ)

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 225/KH-TTTTXTDL ngày 10/10/2023 của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) hiệu quả và đúng tiến độ, Trung tâm TTXTDL Lạng Sơn đã phối hợp với Chuyên gia trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn biên soạn Bộ tài liệu về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Chi Lăng.

Ngày 1/11/2023 tổ chức hai lớp tập huấn với mục tiêu đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch của địa phương và bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch nông thôn gồm: lớp “Tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp - nông thôn cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn” và lớp “Tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn” tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng năm 2023.

Đoàn khảo sát tham quan và tìm hiểu tại vườn bưởi của hộ gia đình tại xã Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Đoàn khảo sát tham quan và tìm hiểu tại vườn bưởi của hộ gia đình tại xã Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Giảng viên của hai lớp học là PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Thạc sỹ Ngô Việt Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghiên cứu viên Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) làm trợ giảng.

Hai lớp học đã trang bị các kiến thức cơ bản về du lịch nông thôn giúp người dân có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phục vụ khách du lịch góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho bà con.

Trong hai ngày 1 và 2/11/2023, Trung tâm TTXTDL Lạng Sơn đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chi Lăng và UBND xã Chi Lăng tổ chức Đoàn Famtrip trải nghiệm du lịch nông thôn tại địa phương, với đa dạng thành phần như cán bộ nhà nước, công ty lữ hành du lịch, nhà đầu tư, học sinh sinh viên, cán bộ nghiên cứu, khách trong và ngoài địa phương. Qua đó, quảng bá sâu rộng tiềm năng phát triển du lịch nông thôn đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ lữ hành, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Đoàn đại biểu tham quan Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Đoàn đại biểu tham quan Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Các đại biểu tham gia Famtrip trải nghiệm du lịch nông thôn ở xã Chi Lăng đã khảo sát nhiều các điểm Di tích lịch sử, vườn cây ăn quả tại đây.

Đoàn đã dâng hương, tham quan Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng- được ví như Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới. Nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng được xây dựng năm 2002, cạnh đường quốc lộ 1A mới Lạng Sơn – Hà Nội, dưới chân núi Phượng Hoàng, thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 40 km về phía Nam.

Nội dung trưng bày tại đây gồm 3 chủ đề chính: “Chi Lăng lịch sử đất nước và con người “– “Chi Lăng lịch sử” và “Chi Lăng phát huy truyền thống”.

Đoàn khảo sát trải nghiệm con đường đi bộ nông thôn mới dọc sông Thương. (Ảnh: Hồ Hạ)

Đoàn khảo sát trải nghiệm con đường đi bộ nông thôn mới dọc sông Thương. (Ảnh: Hồ Hạ)

Hệ thống trưng bày đã tái hiện lại lịch sử những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cha ông ta diễn ra trên mảnh đất Chi Lăng anh hùng mà đỉnh cao là chiến trận Chi Lăng – Xương Giang (năm 1427), chiến thắng quân Minh xâm lược. Thông qua hệ thống tài liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú sống động cùng hệ thống khuôn viên tượng đài hoành tráng trong quần thể di tích lịch sử Chi Lăng sẽ đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của các tầng lớp nhân dân. Khuôn viên tượng đài và Nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng là một công trình văn hóa đẹp, có ý nghĩa, ngày càng thu hút đông đảo du khách gần xa.

Sau đó, đoàn Famtrip tiếp tục khám phá đền Quan Trấn Ải (hay còn gọi là Đền Quỷ Môn) là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng đã có trên 600 năm tuổi. Đền Quỷ Môn thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là 1 trong 52 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã được xếp cấp Quốc gia năm 1962. Đây cũng là 1 trong 24 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.

Tiếp đó, đoàn khảo sát trải nghiệm con đường đi bộ nông thôn mới dọc sông Thương, cũng chính là đường Cái quan xưa, nơi các quan triều Đình đi Sứ phương Bắc. Đường làng ở xã nông thôn mới kiểu mẫu xanh, sạch đẹp với những chiếc cổng hoa giấy rực rỡ, và hai hàng hoa, cây xanh dọc lối đi. Xã Chi Lăng mùa này mang phong cảnh sơn thủy hữu tình, với những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp ôm lấy thung lũng bao la. Xẻ ngang giữa thung lũng là dòng sông hiền hòa, xanh màu ngọc bích, 2 bên là màu xanh của những nương ngô, những vườn cây trái và cả màu vàng óng của những ruộng lúa đang độ chín thơm lừng.

Toàn cảnh Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Toàn cảnh Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. (Ảnh: Hồ Hạ)

Trên con đường uốn lượn bên những chân núi, có những ngôi nhà với nét đẹp hoang sơ, bình dị của miền quê yên ả khiến du khách phương xa hít hà mãi không khí diệu vời này.

Trên con đường đó, du khách không khỏi trầm trồ với ngọn Núi Mặt Quỷ đi vào huyền thoại, giặc ngoại xâm nghe đến là kinh hồn. Đây chính là vị trí trọng yếu, là cửa ngõ chính ở phía Bắc nước ta, nhờ có địa hình hiểm trở của núi Mặt Quỷ mà cha ông ta đã chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược của phương Bắc.

Sau rất nhiều thất bại, quân giặc ví đây là cửa tử “một đi không trở về”. Nhân dân địa phương vẫn nhớ câu nói như sự kinh hãi khi đi qua nơi này: “Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Dịch nghĩa nôm na là đi qua cửa ải Quỷ Môn, mười người đi thì chỉ có một người quay lại.

Núi Mặt Quỷ nằm trên lưng chừng vách núi Cai Kinh dựng đứng cách cửa Ải Chi Lăng ngày nay chừng 100m, có một hình dáng khuôn mặt trông thấy giống mặt quỷ, vì vậy mà nơi đây có tên là Núi Mặt Quỷ.

Mặt quỷ nhìn rõ nhất là hai hố sâu rất giống 2 con mắt, như hai miệng thúng sâu thẳm chằm chằm nhìn xuống dòng sông Thương, mồm rộng, tạo thành một cái cửa hang sâu đen ngòm, hai cái mũi to bằng hai cái bát điếu. Có một điều thú vụ là dù gọi là Núi Mặt Quỷ nhưng người dân nơi đây không coi núi là biểu tượng của cái ác, mà là biểu tượng bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng.

Đi ngang qua núi Mặt Quỷ, cả đoàn đến thăm Ải Chi Lăng, cũng chính là con đường độc đạo, vùng đất thiêng ghi dấu những trận đánh oanh liệt đập tan các cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc.

Cách đó không xa là núi Mã Yên, một quả núi hình yên ngựa. Con ngựa đứng chầu về hướng Nam, trên lưng có nguyên cả một cỗ yên, đó gọi là Mã Yên Sơn. Dưới chân núi, nông dân địa phương bắt đầu thu hoạch lúa chín. Những vạt lúa chín thơm, càng trở nên rực rỡ khi hoàng hôn buông xuống những tia nắng mật ngọt cuối thu, khói lam chiều bảng lảng từ những ngôi nhà xung quanh tạo nên bức tranh tuyệt mĩ, khiến ai nấy quên cả lối về.

Cánh đồng lúa chín bên chân núi Mã Yên. (Ảnh: Hồ Hạ)

Cánh đồng lúa chín bên chân núi Mã Yên. (Ảnh: Hồ Hạ)

Trong hành trình khám phá xã Chi Lăng, đền thờ Chi Lăng cũng là điểm đến không thể bỏ qua. Được xây dựng trên khu vực hồ Bãi Hào, xã Chi Lăng với diện tích 50ha, đền Chi Lăng là biểu tượng về sự tri ân, tình cảm của Nhân dân Lạng Sơn đối với các bậc tiền nhân, anh hùng nghĩa sỹ, các thế hệ ông cha đi trước và là một công trình văn hoá có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc của huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn.

Đến Chi Lăng, du khách vô cùng ấn tượng với trải nghiệm tại những vườn trái cây của đồng bào như vườn Na của hộ gia đình ông Mã Văn Lét, ông Dũng, ông Cường thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng; và các vườn ổi, vườn bưởi của các hộ gia đình thuộc xã Chi Lăng. Đồng thời, trải nghiệm mua na và các sản phẩm OCOP, đặc sản của xã Chi Lăng.

Sáng 2/11/2023, Trung tâm TTXTDL Lạng Sơn đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chi Lăng và UBND xã Chi Lăng tổ chức Tọa đàm “Quảng bá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của xã Chi Lăng để chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh khai thác, phát triển thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút cũng như phục vụ du khách.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục