Kênh bán trực tuyến chưa cải thiện nhiều
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay, doanh thu bảo hiểm qua các kênh số hóa của khối phi nhân thọ chỉ chiếm 1%, còn khối nhân thọ chưa đến 5% tổng doanh thu bảo hiểm.
Thói quen tiêu dùng bảo hiểm trực tuyến của người dân dù cải thiện nhưng vẫn chưa cao, sản phẩm bảo hiểm online chưa đủ sức hấp dẫn khách hàng là những nguyên nhân chính khiến doanh thu phí mới đến từ kênh này còn èo uột. Đa phần doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ “online hóa” những sản phẩm bảo hiểm truyền thống sẵn có, mà ít đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với hành vi tiêu dùng online đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với thế hệ người tiêu dùng trẻ.
Tại khối nhân thọ, số lượng hợp đồng bán ra của các kênh online không nhỏ, nhưng vì giá trị hợp đồng thấp nên doanh thu phí mới không cao. Các sản phẩm bảo hiểm đang được bán trên các kênh trực tuyến vẫn chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hoặc các sản phẩm bảo hiểm đơn giản với quyền lợi bảo hiểm thấp.
Dù vậy, với xu thế số hóa ngày một mạnh mẽ, các công ty bảo hiểm gần đây đã mở rộng thêm hệ thống kênh phân phối online thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các nền tảng trực tuyến, chẳng hạn Manulife cho ra mắt Manulife Shop sau khi hợp tác với Shopee và gần đây nhất là MoMo; AIA hợp tác toàn diện với Tiki để cùng xây dựng nền tảng kỹ thuật số độc quyền về bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam...
Ông Mark Chapman, Giám đốc điều hành kênh phân phối thông qua đối tác của Manulife chia sẻ, vài năm trước, hành trình số hóa đã thúc đẩy người tiêu dùng trực tuyến và Manulife đã sẵn sàng cho các khách hàng muốn tham gia bảo hiểm theo phương thức này. Dựa trên phản hồi của người tiêu dùng, Manulife sẽ tiếp tục phát triển thêm các giải pháp số hóa cho kênh bancassurance khi nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng.
Ông Takashi Fujii, Tổng giám đốc Dai-ichi Life International Asia Pacific (DLIAP) phụ trách các thị trường Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Úc và New Zealand nói rằng, hiện nay, vẫn chưa có mô hình bán bảo hiểm online nào thực sự thành công và với bảo hiểm nhân thọ, khách hàng vẫn khó mua trên kênh trực tuyến. Do đó, sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn để kênh bán online có thể bắt kịp kênh đại lý và bancassurance.
Bancassurance sẽ là kênh chủ lực
Hiện nay, có 15/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai bancassurance và là kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), năm 2021, doanh thu phí khai thác mới (FYP) của thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 49.500 tỷ đồng, trong đó kênh bancassurance đóng góp khoảng 39% và mức đóng góp này dự kiến tăng lên 50% vào năm 2025.
Theo IAV, doanh thu phí khai thác mới bảo hiểm nhân thọ năm 2021 đạt khoảng 49.500 tỷ đồng, trong đó kênh bancassurance đóng góp khoảng 39% và dự kiến tăng lên 50% vào năm 2025.
Trong khi đó, kênh đại lý tiếp tục chững lại sau dịch do khó tuyển dụng mới. Báo cáo ước tính của IAV cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, số lượng đại lý mới tuyển dụng giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước với 131.597 đại lý, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường giảm 13% với 770.601 đại lý, khiến tăng trưởng của kênh này giảm sút. Bởi vậy, bancassurance được kỳ vọng sẽ sớm vượt qua kênh đại lý để trở thành kênh chủ lực tạo ra doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
“Cạnh tranh trong việc mua kênh bancassurance đã lên tới đỉnh điểm. Vấn đề của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng bây giờ chính là cơ cấu nguồn khách hàng ổn định và chất lượng hơn. Ngân hàng bán bảo hiểm không chỉ có các khách hàng đến vay vốn, mà người có vốn nhàn rỗi mua bảo hiểm mới là dòng khách hàng bền vững và ngân hàng biết rất rõ vấn đề này”, ông Takashi Fujii nói.
Trước đó, chia sẻ tại diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến về phát triển kênh bancassurance cũng như việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng mua bảo hiểm, chất lượng dịch vụ qua kênh này, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh những quy định chung về đại lý bảo hiểm áp dụng ở kênh bancassurance, có những quy định riêng liên quan đến riêng việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, chẳng hạn Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN của liên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.
Theo thông tư này, việc tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân là tự nguyện, dựa trên cơ sở thực sự có nhu cầu và phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng, đồng thời nghiêm cấm tất cả những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ép mua bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Thông tư liên tịch 86/2014 cũng quy định các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giải thích đầy đủ các sản phẩm bảo hiểm phân phối qua ngân hàng cho bên mua bảo hiểm rằng, đây không phải là sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng, mà là sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm và sản phẩm này không mang tính bắt buộc khi khách hàng của ngân hàng tham gia những khoản vay, khoản tín dụng của ngân hàng.
Ngoài ra, nhằm ràng buộc và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong các hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, pháp luật bảo hiểm cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tất cả hoạt động của đại lý, tổ chức, trong đó có cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong các giao dịch bảo hiểm…
Theo bà Phương, hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ hoặc gây hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm của ngân hàng và trường hợp này xuất hiện nhiều ở các sản phẩm liên kết đầu tư. Đáng chú ý, một số ngân hàng sau khi chấm dứt hợp đồng đại lý với công ty bảo hiểm này để ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác với công ty bảo hiểm khác thì nhân viên ngân hàng có hành vi lôi kéo khách hàng đang tham gia bảo hiểm hủy hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm cũ để ký hợp đồng doanh nghiệp bảo hiểm mới....
“Ý thức của cán bộ, nhân viên ngân hàng là yếu tố quan trọng và góp phần đáng kể trong việc triển khai thành công các sản phẩm bảo hiểm, các ngân hàng cần lưu ý hơn tới điều này để hoạt động phân phối sản phẩm đạt hiệu quả”, bà Phương nhấn mạnh.