Bancassurance tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mảng phân phối bảo hiểm (bancassurance) tiếp tục là động lực tăng trưởng cho ngành bảo hiểm cũng như đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng.
Hầu hết ngân hàng đều nỗ lực khai thác mảng kinh doanh màu mỡ bancassurance. Ảnh: Dũng Minh Hầu hết ngân hàng đều nỗ lực khai thác mảng kinh doanh màu mỡ bancassurance. Ảnh: Dũng Minh

Những con số ấn tượng

Được xem là mảng kinh doanh “màu mỡ” nên các ngân hàng lớn đều đẩy mạnh khai thác mảng bancassurance, gia tăng nguồn thu ngoài lãi.

Chẳng hạn, tại Techcombank, trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4.400 tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi, trong đó thu phí bảo hiểm đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 31,5%.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, để đạt được kết quả trên, Ngân hàng đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng trong việc được đảm bảo an toàn sau đại dịch bằng cách kết hợp các giải pháp sản phẩm toàn diện, nâng cao năng lực phân phối và số hóa quy trình bán hàng.

“Techcombank đã đàm phán lại điều khoản triển khai dịch vụ với Công ty TNHH Manulife Việt Nam, tăng cường sự hợp tác giữa đôi bên, từ đó thúc đẩy doanh thu phí bancassurance tiếp tục đi lên trong 2 quý cuối năm 2022”, ông Jens Lottner chia sẻ thêm.

Tương tự, thu nhập ngoài lãi của ACB 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ phí dịch vụ đóng góp 64%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33%, qua đó đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận 9.000 tỷ đồng trước thuế nửa đầu năm nay.

ACB cho biết, thu nhập phí cả năm 2022 dự kiến đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí trong năm 2022 và những năm tới. Theo đó, lợi nhuận của ACB được dự báo tăng trưởng kép 25%/năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận bình quân 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này và theo đó, trong năm 2022, thu nhập ngoài lãi sẽ tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng.

Sacombank cũng vừa công bố đạt 2.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 2 quý đầu năm 2022. Tổng thu nhập tăng 26,6% lên hơn 11.200 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử.

Trước đó, cuối năm 2021, Sacombank (mã STB) đã tái ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam. Không công bố doanh thu của hợp đồng này do các điều khoản bảo mật, nhưng bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank tiết lộ, con số là rất lớn.

Nếu theo dõi báo cáo tài chính năm 2021 có thể thấy, nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm đóng góp tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của Sacombank trong năm qua.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) ước tính, mức phí trả trước trong thương vụ tái ký của Sacombank vào khoảng 250 triệu USD và được ghi nhận doanh thu bắt đầu từ năm 2022.

Mảng kinh doanh tiềm năng của ngân hàng

Mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong năm 2022, nhất là khi các ngân hàng đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm.

Chẳng hạn, tại VietinBank, mức phí trả trước mà ngân hàng này nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife Việt Nam vào khoảng 350 triệu USD. Trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank dự báo tăng 30 - 50% so với giai đoạn trước.

Trước đó, cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife Việt Nam công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài trong 16 năm.

MBBank cho hay, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh số bảo hiểm qua ngân hàng đạt gần 800 tỷ đồng, trong đó doanh số bảo hiểm khai thác mới (APE) tháng 5 đạt 197 tỷ đồng.

Hiện tại, MBBank đang vận hành Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life với tỷ lệ sở hữu là 61% và Tổng công ty Bảo hiểm Quân (MIC) hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ. Với mô hình sở hữu công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm, Ngân hàng sẽ nhận được khoản phí trả trước và cả những khoản hoa hồng từ các công ty này trong tương lai.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường tăng 7,1% trong nửa đầu năm 2022 và hoạt động bán chéo bảo hiểm vẫn đang được đẩy mạnh.

Về thị phần, các ngân hàng MBBank, ACB đang dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance khi cùng đạt hơn 10%; tiếp đến là Sacombank với 9%; VIB (mã VIB) và HDBank (mã HDB) với 8%, Techcombank với 7%...

Các chuyên gia đánh giá, nhìn chung, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có số lượng khách hàng và mạng lưới hoạt động lớn hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nên có lợi thế hơn trong hoạt động bán chéo bảo hiểm khi các công ty bảo hiểm đa quốc gia tại Việt Nam còn hạn chế về hệ thống phân phối và cơ sở khách hàng. Để gia tăng sức cạnh tranh, không chỉ ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền, một số ngân hàng thương mại cổ phần còn chi tiền mua lại công ty bảo hiểm.

Chẳng hạn, VPBank (mã VPB) vừa thông qua việc mua, nhận chuyển nhượng thêm 47,85 triệu cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES, tương đương 87% vốn điều lệ của công ty bảo hiểm phi nhân thọ này (550 tỷ đồng).

Với giá mua trung bình 12.200 đồng/cổ phần, VPBank đã chi gần 585 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại OPES. Sau khi thương vụ hoàn tất, VPBank sẽ nắm gần như toàn bộ cổ phần của OPES. Đây được xem là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển mảng kinh doanh bảo hiểm của VPBank.

Cùng với hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, VPBank tiếp tục tiến sâu hơn vào thị trường bảo hiểm, ở cả phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ, sau thương vụ M&A này.

Thực tế, báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, thu nhập thuần từ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng ấn tượng 34,5% so với cùng kỳ năm trước khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng nhờ tăng doanh thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, hoạt động thanh toán, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ, qua đó đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận trước thuế hơn 15.300 tỷ đồng - mức kỷ lục của VPBank trong 6 tháng đầu năm và hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh ngân hàng có nguồn thu ngoài lãi tăng cao, cũng có không ít ngân hàng ghi nhận doanh thu kinh doanh dịch vụ giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận và chủ yếu rơi vào các ngân hàng nhỏ và vừa.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục