Cuộc đua lãi suất
Trong suốt năm 2020, các công ty chứng khoán liên tục tung ra thị trường các gói cho vay ký quỹ (margin) với lãi suất rất ưu đãi. Xu hướng này đang được “hâm nóng” trở lại, khi thị trường vượt đỉnh lịch sử.
Tuần qua, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã tung ra gói cho vay margin ưu đãi M69, với lãi suất chỉ 6,9%/năm, tổng hạn mức là 500 tỷ đồng cho các khách hàng đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ các điều khoản áp dụng của gói cho vay này, có thể thấy, mức lãi suất 6,9%/năm chỉ áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày T1-T5, còn từ ngày T6 trở đi sẽ chịu lãi suất 16%/năm.
Với chương trình này, dễ thấy, chỉ các khách hàng trading ngắn hạn mới được hưởng lợi. Lãi suất cho vay margin với các khách hàng đang giao dịch tại MBS vẫn được áp dụng ở mức 11 - 13%/năm.
Lo ngại “nếu các công ty chứng khoán nội không thực hiện hạ lãi suất margin thì các công ty chứng khoán ngoại sẽ dần chiếm thị phần”, Công ty Chứng khoán VPS đã thực hiện hạ lãi suất cho vay margin xuống mức 6,8%/năm từ đầu năm 2021.
Mức lãi suất này áp dụng trong 30 ngày giao dịch đầu tiên và tăng lên lần lượt 8%/năm và 9%/năm trong 30 ngày tiếp theo. Trước đó, VPS cũng tung gói margin với lãi suất chỉ 5%/năm.
Chính sách giảm lãi suất cho vay margin kết hợp với miễn phí, giảm phí môi giới đã giúp VPS vượt lên dẫn đầu thị phần trên HOSE trong quý I/2021 và duy trì được thị phần cao nhất trên thị trường phái sinh năm thứ ba liên tiếp.
Tính đến cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc giảm lãi suất của nhiều công ty chứng khoán diễn ra trong bối cảnh margin trên thị trường đang “căng cứng”. Tính đến cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020 và tăng hơn 53.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, tương đương mức tăng 53%.
Dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán cũng đang ở mức kỷ lục như Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đạt hơn 9.000 tỷ đồng tại thời điểm 26/5/2021.
Cho vay ký quý là một trong những mảng hoạt động chính, đóng góp nguồn thu quan trọng cho các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, tại SSI, trong quý I/2021, dư nợ margin đạt 10.878 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với con số đầu năm; lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 245,6 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, với dư nợ đạt 8.876 tỷ đồng, HSC ghi nhận khoản lãi từ các khoản cho vay và phải thu 222 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021, tăng 91% so với cùng kỳ 2020.
Đây cũng là dịch vụ hỗ trợ cho mảng môi giới của các công ty chứng khoán. Chính vì thế, cuộc đua về lãi suất margin luôn nóng trong khối công ty chứng khoán, nhất là trong những giai đoạn thị trường sôi động, thanh khoản bùng nổ như hiện nay.
Nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định hiện hành không cấm nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán nên anh mở tài khoản tại 4 công ty chứng khoán để tận dụng các ưu đãi về lãi suất cho vay, phí giao dịch.
Với tài khoản cần giữ dài hạn hơn, anh chọn công ty chứng khoán có nguồn vay margin ổn định với mức lãi suất từ 8 - 9%/năm, còn lại sẽ tận dụng thêm các ưu đãi của các công ty chứng khoán khác trong những khoản đầu tư ngắn hạn.
“Thực tế thì việc lãi suất chênh 2 - 3%/năm đối với những khoản đầu tư nhỏ là không đáng kể, nhưng với những khoản vay lên đến vài ba tỷ đồng thì cũng giảm được khoản chi phí kha khá”, anh Hùng phân tích.
Vài năm trước, với lợi thế nguồn vốn dồi dào, giá rẻ từ tập đoàn mẹ, nhiều công ty chứng khoán có vốn ngoại đưa ra mức lãi suất cho vay margin rất cạnh tranh và vươn lên trong bảng xếp hạng thị phần môi giới.
Giai đoạn 2018 - 2019, các công ty chứng khoán có vốn ngoại như KBSV, Yuanta Việt Nam, Maybank KimEng… chỉ dao động từ 8 - 9%/năm, trong khi các công ty chứng khoán trong nước phổ biến áp dụng mức lãi suất từ 11 - 14%/năm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức lãi suất margin giữa công chứng khoán ngoại với các công ty chứng khoán trong nước gần tương đồng.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán KBSV đang áp dụng gói margin Mercury với lãi suất 9,8%/năm. Còn tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư N.T.Thanh cho biết, với tài khoản đang giao dịch ở mức 20 tỷ đồng, chị đang được hưởng mức lãi suất 6,5%/năm, trong khi một số khách hàng khác thì đang giao dịch ở mức trên 8%/năm.
Công ty chứng khoán nỗ lực “bơm” thêm vốn
Dư nợ margin trên thị trường hiện đang ở mức cao và theo Công ty Chứng khoán VNDirect, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, với động thái tăng vốn, nhiều công ty chứng khoán sẽ có thêm nguồn lực bổ sung vào nguồn vay cho khách hàng. Hiện, VNDirect đang hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.145 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng.
Nhiều công ty chứng khoán đang nỗ lực gia tăng nguồn lực tài chính, tận dụng xu hướng lãi suất thấp để có chi phí vốn thấp hơn. Chẳng hạn, SSI đã hoàn tất khoản vay hợp vốn tín chấp trị giá 85 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng.
Hay tại HSC, Công ty đang hoàn tất việc phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động nguồn vốn 2.135 tỷ đồng, dự kiến sẽ phân bổ cho hoạt động giao dịch ký quỹ 1.495 tỷ đồng, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán 427 tỷ đồng và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh 213 tỷ đồng.
Tận dụng các lợi thế sẵn có về nguồn vốn, đặc biệt là uy tín và tầm ảnh hưởng của Ngân hàng mẹ VietinBank, VietinBank Securities (CTS) đã ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD (hơn 690 tỷ đồng) với nhóm 4 ngân hàng hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc).
Đó là Union Bank of Taiwan, Taichung Commercial Bank - Labuan Branch, Taishin International Bank và Huanan Commercial Bank, do Union Bank of Taiwan là đơn vị thu xếp và đầu mối. Khoản vay có trị giá 30 triệu USD, có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức chi phí vay hợp lý.
Bà Hồ Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank Securities chia sẻ, việc tiếp cận được với nguồn vốn nước ngoài có thể coi là một lợi thế rất lớn của Công ty trong bối cảnh các công ty chứng khoán ngoại đang đổ bộ ngày một nhiều với nguồn vốn giá rẻ dồi dào.
Điều này giúp Công ty có thêm nguồn lực tài chính để tăng năng lực cạnh tranh, hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường trên cả 3 sàn đạt 22.000 tỷ đồng trong tháng 4 đã tăng lên mức trên 24.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 5 và những phiên giao dịch tỷ USD đang diễn ra thường xuyên khiến nhu cầu vay margin càng tăng nhanh.
Thậm chí, nếu sàn HOSE hết lỗi giao dịch, thanh khoản cũng như dư nợ margin tại các công ty chứng khoán còn tiếp tục tăng.