Cạnh tranh hút vốn ngoại, doanh nghiệp niêm yết... yếu thế?

(ĐTCK) Diễn biến từ thị trường cho thấy, nếu việc ban hành cơ chế nới room cho NĐT ngoại tham gia TTCK tiếp tục chậm trễ, thì các DN niêm yết đối mặt với tình trạng “lấm lưng, trắng bụng” trong cuộc đua thu hút vốn ngoại với các DN chưa niêm yết.
Cần cởi bỏ hạn chế về room ngoại với các DN niêm yết để cuộc cạnh tranh thu hút vốn công bằng hơn Cần cởi bỏ hạn chế về room ngoại với các DN niêm yết để cuộc cạnh tranh thu hút vốn công bằng hơn

Vốn khủng chảy vào DN ngoài sàn

Nhìn lại trong năm qua, hàng loạt thương vụ mua DN Việt đã được đại gia nước ngoài hiện thực hóa bằng việc bỏ ra số vốn khủng.

Thương vụ đáng chú ý đầu tiên là Tập đoàn VinaCapital và nhà đầu tư tài chính hàng đầu Nhật Bản - Daiwa PI Partners đã bỏ ra tới 45 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế (IDP). Với cú đầu tư chiến lược này, hai nhà đầu tư ngoại trở thành cổ đông lớn nhất của IDP.

Mới đây, VinaCapital còn đánh tiếng chuẩn bị đầu tư vào một “đại gia” cũng trong ngành đồ uống, thực phẩm là CTCP Đường Quảng Ngãi, với các sản phẩm quen thuộc là sữa đậu nành Vinasoy, Fami, nước khoáng Thạch Bích... Đây là công ty đại chúng chưa niêm yết, với mã chứng khoán QNS đã lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Ngoài các thương vụ đầu tư đã đi đến hồi kết, liên tiếp gần đây các đối tác ngoại hé lộ tham vọng muốn đầu tư lớn vào hàng loạt DN ngoài sàn. Sau khi bỏ ra khoảng 34,5 triệu EUR để mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đang có tham vọng mua 40% cổ phần của Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), một DN cổ phần hóa đã lâu nhưng chưa niêm yết.

BJC từng đưa ra mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu Sabeco, cao hơn khoảng 60% so với giá giao dịch trên thị trường OTC.  Gần đây, một “đại gia” trong ngành bán lẻ của Nhật Bản là Tập đoàn Aeon cũng hé lộ ý định sở hữu 30% cổ phần của Siêu thị Fivimart và 49% cổ phần của Siêu thị Citimart...

Xu hướng rót vốn vào các DN ngoài sàn của các đối tác ngoại, theo giới chuyên gia, sẽ có thêm triển vọng tích cực trong thời gian tới, khi Việt Nam thực hiện mở cửa rộng hơn với các lĩnh vực theo cam kết WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do...

Với DN niêm yết, nhìn dòng vốn ngoại nối tiếp nhau chảy vào các DN ngoài sàn, họ không giấu được sự sốt ruột. Với lợi thế về thanh khoản, phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về công bố thông tin, DN niêm yết vốn được cho là có nhiều cơ hội hơn trong thu hút vốn đầu tư của cả giới đầu tư trong và ngoài nước, nhưng thực tế, họ đang “có tiếng mà không có miếng”. 

Trông chờ nới room

Trong khi các DN ngoài sàn chứng khoán đang có triển vọng thu hút thêm các khoản đầu tư khủng từ khối ngoại, thì việc chậm ban hành quy định về nới room đối với NĐT nước ngoài tham gia TTCK đang khiến các DN niêm yết gặp khó trong thu hút vốn ngoại.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư Nhật Bản có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhìn nhận, gần đây, NĐT nước ngoài, trong đó có NĐT Nhật Bản kém vui trước thực tế cơ chế về nới room cho NĐT nước ngoài gia tăng sở hữu cổ phần tại các DN niêm yết từ mức tối đa 49% hiện tại lên mức cao hơn chậm được ban hành. Vì không muốn chậm chân trong sở hữu các DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực có triển vọng phát triển tốt như thực phẩm, đồ uống, phân phối… trong bối cảnh cuối năm nay sẽ hình thành

Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như triển vọng Hiệp định TPP sắp được ký kết, nên gần đây giới đầu tư Nhật Bản gia tăng các hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các DN ngoài sàn, cũng như chốt các thương vụ đầu tư sau nhiều năm tìm hiểu DN Việt Nam…

Việc đối tác ngoại đang ưa thích săn mua các DN ngoài sàn (hoạt động trong những lĩnh vực mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối) là bởi họ có quyền kiểm soát DN ngay sau khi rót tiền. Đây là điều họ không có được với các DN niêm yết khi quy định hiện hành chỉ cho phép họ sở hữu tối đa 49% cổ phần tại DN.

Đang có những quan ngại rằng, nếu quy định về nới room cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam không sớm được thông qua và áp dụng, thì các DN niêm yết sẽ tiếp tục rơi vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh với các DN ngoài sàn trong cuộc đua thu hút vốn ngoại.

Tuy nhiên, mở rộng không gian đầu tư cho vốn ngoại như thế nào vào các DN minh bạch và hiệu quả trên sàn là một bài toán lớn, để vừa bảo vệ được quyền sở hữu cần thiết của nhà đầu tư nội vừa tăng sức hấp dẫn với vốn ngoại trong các giao dịch trên thị trường.                                      

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục