Giới đầu tư chuyên nghiệp bình luận, thị trường khát thông tin nên tin mở room cứ được xào đi xào lại, mặc dù giới thạo tin đều biết, điều kiện chín muồi để nới room vẫn chưa rõ ràng.
Trong thời gian chờ đợi chính sách nới room ban hành, chưa biết chính sách mới sẽ mở đến mức độ nào, nhưng dựa trên lập luận cứ có nới là có tốt, giá các cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ chính sách này không ít lần tạo sóng như SSI, FPT… Tâm lý thị trường cũng không ít lần hưng phấn với kỳ vọng chính sách này được thông qua. Thực tế, tại các hội thảo đánh giá về cơ hội đầu tư năm 2014, giới nghiên cứu, phân tích thị trường đều cho rằng, tin mở room sẽ là tin tốt hỗ trợ TTCK.
Không chỉ là tin về room, tin về việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một dạng tin đã và đang có tác động lặp lại nhiều lần, dựa vào kết quả mà nó đạt được sau mỗi vòng đàm phán. Thậm chí, một chuyên gia phân tích của CTCK thẳng thắn chia sẻ: “Cá nhân tôi nghĩ hai năm nữa cũng chưa ký được TPP do đàm phán còn kéo dài, nhưng thị trường thì phản ứng theo kỳ vọng và đây sẽ là tin nhấn đi nhấn lại và có khả năng tạo nên các con sóng giá”.
Phản ứng tâm lý của nhà đầu tư trước các thông tin về diễn biến mới liên quan đến cơ chế chính sách hay khả năng hội nhập cho thấy, thị trường đang khát khao sự đổi mới. Trong khi chờ đợi TTCK phái sinh ra đời vào 2016 thì tác động lớn nhất, được kỳ vọng nhất trên TTCK đến thời điểm đó có lẽ là room và TPP. Trong bối cảnh động lực tăng giá của nhiều cổ phiếu dựa vào yếu tố nội tại của doanh nghiệp đã hết, nhà đầu tư lại càng trông ngóng tin vĩ mô, với hy vọng có thể tạo ra động lực tăng giá từ bên ngoài.
Nhưng khi thị trường chuyển sang giai đoạn bị chi phối bởi thông tin bên ngoài nhiều hơn từ nội tại DN, thì chỉ những người hiểu rõ bản chất của thông tin mới cảm nhận được thị trường đang phản ứng vừa đủ, hay thái quá. Nếu hiểu rõ thì chiến lược đầu tư mới có thể hiệu quả. Quan sát sóng tăng cuối của thị trường vừa qua có thể thấy, khối ngoại và các quỹ đầu tư, tự doanh công ty chứng khoán đã chuyển sang bán ròng.
Khi thị trường điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư tổ chức nhanh chóng chuyển sang mua ròng. Việc bán ròng của nhiều nhà đầu tư lớn không phải là xu hướng rút vốn ra, mà bản chất là cơ cấu danh mục: bán cổ phiếu với giá cao, mua lại giá thấp để tổng lượng cổ phiếu nắm giữ ít nhất không giảm đi, nhưng giá trị tài sản tăng lên nhờ lãi từ chênh lệch giá.
Khi các tổ chức đầu tư áp dụng chiến thuật đầu tư linh hoạt hơn trước, đầu tư dài hạn nhưng không ngần ngại lướt sóng để kiếm lời thì nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cần cảnh giác hơn nữa trước những đợt tăng theo kiểu “dựa hơi” các thông tin được hâm nóng.