Ngày 25/5/2020, trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô, anh Nguyễn H (SN 1985; trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đã cung cấp chi tiết thông tin về vụ lừa đảo mà anh vừa gặp phải.
Theo đó, anh H là shipper (người giao hàng) kỳ cựu, song đã nghỉ tạm một thời gian trước khi quay trở lại công việc. Vì nghỉ như vậy nên lúc làm lại nghề, anh H đã bị bất ngờ trước chiêu lừa tinh vi của những kẻ lừa đảo.
"Vào khoảng 11h50 ngày 17/5, tôi vào một nhóm kết nối dịch vụ ship và khách hàng trên Facebook, và nhận đơn ship đàn từ một cửa hàng thuộc phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) đi phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy). Đơn đặt yêu cầu tôi ứng trước 3,3 triệu đồng để lấy đàn, rồi ship tới nơi nhận, và sẽ được trả phí 80.000 đồng", anh H cho biết.
Shipper bị lừa đảo cung cấp thông tin cho PV Báo ANTĐ
Tài khoản Facebook đặt hàng có tên "Bùi Thu Ngọc", cung cấp số điện thoại đặt hàng 097431***.
Theo thói quen, anh H đã cẩn thận kiểm tra tài khoản Facebook và Zalo liên quan, song do tất cả thông tin đều ở dạng không công khai nên shipper này không phân định được độ tin cậy.
Anh H gọi điện tới số máy cung cấp, một giọng nữ trẻ tuổi nghe và xác nhận đơn hàng. Do vậy, lái xe công nghệ tới cửa hàng bán đàn, nhận hàng và ứng 3,3 triệu đồng rồi di chuyển.
"Khi tôi tới lấy đàn, chủ cửa hàng chỉ xác nhận rằng có đơn như thế, giao hàng và lấy tiền. Không có gì đặc biệt so với các đơn hàng khác mà tôi vẫn vận chuyển, nên tôi gọi điện báo cho khách rằng, chuẩn bị tới giao hàng", anh H cung cấp thông tin.
Bài đăng của kẻ lừa đảo nhằm "giăng bẫy" các shipper
Sau quãng đường khoảng 10km dưới thời tiết nắng nóng gay gắt, anh H tới đúng địa chỉ ở phố Tô Hiệu và gọi điện cho vị khách thì suốt 20 phút, máy đổ chuông nhưng không có ai nghe. Sau đó, số máy bị tắt hẳn, không liên lạc được.
Nam shipper trên đành phải gọi ngược lại phía cửa hàng để thông báo không thể giao đàn như kế hoạch, rồi anh quay trở lại hoàn trả hàng. Tuy nhiên, sau quãng đường vô ích tổng cộng 20km, anh H sững sờ khi thấy chủ cửa hàng báo lại rằng, ngay khi anh vừa đi thì vị khách đó đã cử một lái xe ôm khác tới... lấy tiền hoa hồng.
"Chủ cửa hàng nói rằng, vị khách đã liên hệ với anh ta từ trước, giới thiệu là giáo viên dạy đàn và mua hộ học sinh. Vị khách đó chọn chiếc đàn giá 1,2 triệu đồng, song đề nghị cửa hàng ghi giá thành 3,3 triệu đồng, để ăn chặn 1,9 triệu đồng, đồng thời trả công cho phía cửa hàng 200.000 đồng. Khi tôi vừa đi giao hàng thì vị khách đã gọi điện cho chủ cửa hàng, đề nghị chuyển khoản số tiền 1,9 triệu đồng, song do chủ cửa hàng không có tiền trong tài khoản nên khách cho lái xe ôm công nghệ đến lấy hộ", anh H cho biết.
Sau khi nhận thấy cả 2 bên đều bị lừa, chủ cửa hàng bán đàn đã đề nghị nhận lại hàng, trả cho shipper số tiền 1,4 triệu đồng, còn 1,9 triệu đồng "hoa hồng" lỡ trả cho kẻ lừa đảo thì họ coi như shipper phải chịu.
Những kẻ lừa đảo luôn dùng các chiêu trò tinh vi để "giăng bẫy" người lao động vất vả
Tuy nhiên, anh H bức xúc và không đồng ý, bởi anh hoàn toàn không biết thỏa thuận giữa 2 bên khi tới lấy hàng, và chủ hàng đã tự ý trả hoa hồng khi chưa kiểm tra việc giao dịch hoàn tất hay chưa (hàng đã được trao và shipper thu tiền chưa).
Hai bên tiếp tục làm việc một buổi nữa, và khi đó, chủ cửa hàng chấp nhận chia sẻ thiệt hại kiểu "50/50", tức là họ trả cho anh H thêm 950.000 đồng, họ chịu thiệt 950.000 đồng (trong khoản 1,9 triệu đồng đưa cho kẻ lừa đảo).
"Sau vụ lừa, tôi thấy rất mệt mỏi và ức chế, vì bản thân làm nghề lao động chân tay, phải chạy giao hàng qua lại tới 20km dưới trời nắng nóng gay gắt mà không nhận được công, cuối cùng lại bị mất tiền. Phía cửa hàng cũng là nạn nhân. Những kẻ lừa đảo đó thực sự bất lương", anh H bày tỏ phẫn nộ.
Theo báo An ninh Thủ đô, cần lưu ý rằng, chiêu lừa nói trên không hề mới, song rất tinh vi và dễ trót lọt, vì kẻ lừa đảo nhắm vào shipper nhưng lại "ngỏ lời" với... chủ cửa hàng. "Công thức" của chúng như sau: Đặt hàng của nơi bán, nêu lý do "mua hộ" để lấy hoa hồng, đề nghị nơi bán ghi khống giá lên. Sau đó, chúng đặt đơn hàng cho shipper giao, yêu cầu shipper ứng tiền trước. Sau khi shipper tới nhận đơn thì chúng đòi nơi bán trả tiền hoa hồng ngay, qua đó chiếm đoạt một phần tiền ứng trước của shipper, đẩy phía bán hàng và người giao/ứng tiền vào thế... tranh cãi.
Sự tinh vi của thủ đoạn trên thể hiện ở chỗ: Kẻ lừa đảo luôn đặt giao qua quãng đường dài (khoảng 10km), để buộc shipper phải di chuyển mất nhiều thời gian, nhằm tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo tới lấy tiền hoa hồng. Bên cạnh đó, số tiền chênh lệch mà chúng chiếm đoạt thường được tính toán ở mức gần 2 triệu đồng, dưới mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, để khiến cả shipper và chủ cửa hàng "nản" khi có ý định trình báo.
Để không trở thành nạn nhân của trò lừa trên, shipper cần hỏi trước, thống nhất rõ với chủ cửa hàng rằng, mọi giao dịch với khách sẽ chỉ được thực hiện sau khi đơn hàng hoàn tất (hàng đã trao và tiền đã nhận). Bên cạnh đó, các chủ cửa hàng cần tỉnh táo, không vì chút lợi nhuận mà dễ dàng gật đầu với đề nghị "bán khống" của kẻ lừa đảo, cũng như cảnh giác trước đòi hỏi lấy tiền hoa hồng ngay khi shipper vừa di chuyển.