Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, tiên phong bởi những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, đã và đang chuyển hướng một cách mạnh mẽ sang ngành công nghiệp tương lai nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau một thời gian tích lũy về vốn, nguồn lực và trình độ công nghệ.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trào lưu này là Tập đoàn Vingroup với chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Tương tự, Viettel, FPT, MISA, CMC, VNG đang tập trung đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm và dịch vụ.
Chẳng hạn, FPT phát triển phần mềm cho xe tự hành và bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ cho một số hàng xe lớn tại Nhật Bản và châu Âu.
Viettel đưa các công nghệ mới vào phát triển các sản phẩm giải pháp cho các dự án Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh. VNG thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng IoT, AI…
Trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, vốn còn rất mới, song cũng đã tấp nập bóng dáng của các doanh nghiệp Việt và cả nhà đầu tư nước ngoài như FastGo, VATO, T.Net, cạnh tranh mạnh mẽ với gã khổng lồ toàn cầu Grab trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận chuyển.
Hay trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch, đặt phòng, có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) của Việt Nam đang đạt được những thành công bước đầu.
Trong bối cảnh này, câu chuyện tụt hạng năng lực cạnh tranh về 4.0 của Việt Nam theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay rất đáng được lưu tâm.
“Trong xu thế kinh tế 4.0, những quy định mang tính áp đặt kiểu như tất cả các phương tiện kết nối các ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải gắn phù hiệu "xe taxi" trên kính xe; phải gắn mào "taxi" cố định trên nóc xe… là không phù hợp.
Tư duy quản lý kiểu này đang quay lưng lại với những mô thức kinh doanh mới của cách mạng 4.0 trên thế giới mà Chính phủ đang kêu gọi doanh nghiệp cũng như toàn xã hội phải nỗ lực để theo kịp”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.
Trong xu thế kinh tế 4.0, những quy định mang tính áp đặt kiểu như tất cả các phương tiện kết nối các ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải gắn phù hiệu "xe taxi" trên kính xe; phải gắn mào "taxi" cố định trên nóc xe… là không phù hợp.
Nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mô hình kinh tế chia sẻ cho thấy, trong khi doanh nghiệp truyền thống phản ứng với mô hình này nhưng buộc phải chấp nhận thay đổi để cạnh tranh, người tiêu dùng ngược lại phản hồi tích cực, chấp nhận phương thức mới bởi sự tiện dụng và phù hợp về kinh tế, thì chính sách quản lý nhà nước đang lúng túng và gặp nhiều khó khăn với loại hình kinh doanh mới. Điều này dẫn đến việc ban hành một số chính sách mang tính áp đặt tư duy quản lý cũ không phù hợp.
Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, các mô hình kinh doanh mới hình thành đều có yếu tố của thị trường và muốn có cạnh tranh công bằng phải có chính sách cạnh tranh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần khuyến khích, ủng hộ cái mới và điều chỉnh bất cập sau, nhằm thúc đẩy phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ số, từ đó tạo ra áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp và tạo ra tiện ích cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, để thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới phát triển, cần đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường tự do, nhà nước không can thiệp vào việc định giá dịch vụ hay các quyết sách kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh phát triển lành mạnh, để cho thị trường tự điều chỉnh về điểm cân bằng mới.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi kinh tế số trên nền tảng 4.0 của Australia, bà Dương Hồng Loan, điều phối viên chiến lược Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, mặc dù Australia có trình độ phát triển và nền tảng số hơn hẳn Việt Nam, song vẫn bắt buộc phải đảm bảo cho sự chuyển đổi bằng cơ quan độc lập về quản lý cạnh tranh, sự “thay máu” của không ít của các cơ quan quản lý chuyển đổi số để đảm bảo chính sách và thể chế chuyển đổi phù hợp, không tạo ra những tranh chấp kiểu như Uber, Grab với doanh nghiệp truyền thống.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Để tận dụng được cơ hội và lợi ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức về cuộc cách mạng này cùng khuôn khổ chiến lược với một tư duy mới về cách tiếp cận, một tầm nhìn mang tính chiến lược và theo đó là định hướng chính sách rõ ràng, cụ thể, bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước.
Đồng thời, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc của Nhà nước và khu vực doanh nghiệp.