Con số này cũng trùng khớp với số lượng đại án trong ngành ngân hàng, chiếm chủ yếu trong số lượng các đại án đã và sẽ đưa ra xét xử.
Ngược dòng thời gian một chút, năm 2014, Cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng đã ban hành gần 200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 180 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng. Nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn năm 2013, có thể nói là năm kỷ lục của thanh tra và kiểm toán trên toàn hệ thống ngân hàng. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã thực hiện tới 978 cuộc thanh tra, 310 cuộc kiểm tra. Đi cùng là trên 9.000 kiến nghị đối với các tổ chức tín dụng, 129 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 118 tổ chức, cá nhân.
Tất cả các con số trên đều phản ánh thực tế là thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý là rất kiên quyết. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao đại án trong ngành ngân hàng vẫn liên tục xảy ra? Mức độ vi phạm trong các đại án như tại Ngân hàng Xây dựng hay OceanBank, là những con số có đơn vị hàng nghìn tỷ đồng, chứ không phải là những vi phạm đơn lẻ?
Để trả lời những câu hỏi này, chắc cần nhiều thời gian để xem xét đầy đủ khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên, một trong những câu trả lời đó là chúng ta chưa có được một hệ thống “cảnh báo sóng thần” hiệu quả.
Thanh tra ngành ngân hàng nói riêng và nhiều ngành khác nói chung vẫn tập trung vào việc các ngân hàng, các doanh nghiệp có tuân thủ đúng và đủ các quy định hiện hành hay không? Nói nôm na là đi đường có đúng lề phải, theo bảng chỉ dẫn,… hay không, mà chưa lường tới khả năng mưa to, cây đổ, đường ngập, tai nạn giao thông...
Khi mà hệ thống pháp luật kinh tế vẫn đang được hoàn thiện theo hướng thị trường thì khó có thể nói các quy trình, hướng dẫn đã hoàn hảo, bịt được các “khe hở” mà các ông chủ, lãnh đạo ngân hàng có thể lách qua. Vì vậy, sự tuân thủ trên giấy tờ của mọi quy trình, được tạo ra trong khung khổ luật pháp chưa hoàn chính là không đủ.
Rủi ro lớn vẫn có thể xảy ra.
Việc Ngân hàng Nhà nước xây dựng hệ thống thanh tra trên cơ sở rủi ro 5 năm vừa qua là một bước đi quan trọng để giảm thiểu những “cú sốc” cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Hệ thống này dù được đánh giá là “góp phần hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng 2013-2015”, nhưng phải khẳng định là hệ thống chưa hoàn thiện. Để vận hành một cách hiệu quả theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi không chỉ cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng phải nỗ lực, mà bản thân ông chủ các ngân hàng cũng phải ý thức được các rủi ro có thể đến với mình. Có như vậy thì những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng mới giảm đi, những cơn “sóng thần” đại án mới ít xuất hiện hơn.