Ngân hàng Việt cần củng cố nội lực trước hội nhập

(ĐTCK) Ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam cho rằng, sau vài năm gặp nhiều thử thách trong xử lý nợ xấu, phần lớn ngân hàng Việt đã đầu tư cho quản trị rủi ro, cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hơn. 
ANZ đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ 23 năm nay ANZ đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ 23 năm nay

Tuy nhiên, cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mới khi áp dụng Basel II vào năm 2018, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. 

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn đầu (2013-2015) của Việt Nam đã thu được những kết quả nhất định, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia từ các định chế tài chính lớn trên thế giới, để phát triển thị trường tài chính với quy mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn, thách thức trước hết với ngành ngân hàng Việt Nam là giải quyết được khối nợ xấu. Quan điểm của ông về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng Việt Nam như thế nào?

Khi nói về vấn đề nợ xấu thì thực sự là cuộc bàn luận về nền tảng vốn của các ngân hàng. Vì vậy, những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây của ngành ngân hàng Việt Nam trong xử lý nợ xấu là rất quan trọng để các ngân hàng có thể đạt được các tỷ lệ an toàn vốn và hoạt động cho vay có thể được tiếp tục.

Ở bên ngoài, có thể có một số bàn luận (thậm chí hiểu nhầm) về vai trò của VAMC, nhưng theo nhìn nhận của tôi, điều này khá đơn giản. Đó là các ngân hàng có 5 năm để giải quyết các khoản nợ xấu của họ “bán” cho VAMC; 5 năm để tái cơ cấu vốn hoặc thu hồi lại khoản vay và VAMC giúp tạo sự tập trung và chú ý tới vấn đề. 

Nếu nói đến việc có thể làm được gì nhiều hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng, đằng sau mỗi khoản nợ xấu đều có một khách hàng (doanh nghiệp hoặc cá nhân). Chìa khóa để giải quyết là xử lý khoản nợ xấu và tối đa hóa thu hồi nợ. Một vài doanh nghiệp và cá nhân có thể có khả năng trả nợ nếu các khoản nợ được tái cơ cấu (kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn). Một số khác thì có thể không có khả năng trả nợ, vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng có thể thu hồi được một phần giá trị từ tài sản bảo đảm thông qua tòa án không?

Phần lớn các ngân hàng mà ANZ hợp tác ở Việt Nam rất chủ động trong việc quản lý nợ xấu, chủ yếu thông qua việc thu hồi tài sản bảo đảm. Hoạt động này nên được khuyến khích thông qua quy trình pháp lý nhanh hơn (bao gồm nhiều nguồn lực hơn cho các phiên tòa). Và lý tưởng nhất là các hoạt động tái cơ cấu nên được thực hiện nhiều hơn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giữ được hoạt động.

Luật Phá sản mới giúp dự tính khả năng này, vì vậy, hy vọng rằng sẽ có nhiều trường hợp như vậy được tái cơ cấu nợ trong giai đoạn 2016 - 2020.

 Ông Dennis Hussey

Bên cạnh đó, cũng có nhận định về thị trường ngoại hối của Việt Nam đi ngược với thông lệ thị trường quốc tế. Ông có cùng quan điểm này?

Đối với thị trường ngoại hối, chúng ta cần thành thật rằng, không có một chuẩn mực quốc tế chung nào. Bằng chứng là những thách thức đã và đang diễn ra trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mỗi nước đều phải rất cẩn trọng trong chính sách tiền tệ của mình để quản lý dự trữ ngoại hối, khả năng cạnh tranh xuất khẩu và danh mục vay vốn nước ngoài của họ.

Đó là một tổ hợp phức tạp của nhiều yếu tố cần được cân nhắc và không có một phương thức chung nào nào phù hợp cho tất cả các tổ hợp khác nhau này. Đáng tiếc là đồng Euro đã cho thấy điều này.

Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự thay đổi trong chính sách điều hành thị trường ngoại hối, cụ thể là chuyển sang cơ chế tham khảo biến động tỷ giá của rổ 8 loại tiền tệ và chúng tôi cho rằng, thị trường đã điều chỉnh theo cơ chế mới này một cách rất tích cực. Cơ chế cũ đặt gánh nặng lên dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tôi cũng thấy hài lòng khi cơ chế mới này sẽ giúp Việt Nam xây dựng nguồn dự trữ ngoại hối tốt hơn. Điều này đóng vai trò như tấm đệm chống đỡ cho những biến động từ bên ngoài.

Tuy nhiên, đối với một số ngành, cơ chế tham khảo rổ tiền tệ mới sẽ khó dự đoán hơn, không có mục tiêu xác định trước cho cả năm. Vì vậy, các nhà nhập khẩu cần chủ động hơn trong việc phát triển các chiến lược nhằm phòng hộ và bảo đảm nhu cầu ngoại tệ của họ. Theo thời gian, tôi hy vọng, ngành ngân hàng sẽ được cho phép đưa thêm nhiều sản phẩm công cụ phòng hộ vào thị trường hơn, vì biến động trong chi phí nhập khẩu có thể đem lại nhiều thách thức lớn. 

Hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm trong nền kinh tế đang phát triển nên có những hấp dẫn riêng. Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, theo ông, ngân hàng nội địa cần những thay đổi gì?

Công cuộc thay đổi này đã bắt đầu từ nhiều năm trước, như việc các ngân hàng cổ phần hóa và các ngân hàng nước ngoài được phép tham gia thị trường và cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng với các ngân hàng quốc doanh. Việt Nam đã đi được một chặng đường dài đổi mới và rút ra được nhiều bài học từ những khó khăn, thách thức gần đây với việc xử lý nợ xấu và quản lý ngân hàng.

Các ngân hàng trong nước đang ở vị thế cạnh tranh tốt hơn trước. Các ngân hàng nội có hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro tốt hơn, các nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm và công tác quản trị được cải thiện. Công nghệ cũng có khả năng thúc đẩy tốc độ phát triển trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam và vì vậy mà các ngân hàng và các cơ quan quản lý cần sẵn sàng để thích ứng nhanh với các thay đổi.

Nhìn chung, cạnh tranh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn, chi phí thấp hơn, dịch vụ tốt hơn.

Với ANZ, chiến lược hoạt động tại thị trường Việt Nam trong năm 2016 và thời gian tới sẽ là gì?

ANZ đã có mặt tại thị trường Việt Nam được 23 năm nay và là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại có 100% vốn nước ngoài. Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, chiến lược của chúng tôi được xây dựng dựa trên nền tảng chất lượng dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Chúng tôi đang đơn giản hóa mô hình hoạt động toàn cầu và tập trung vào việc cung cấp cho khách hàng của mình những sản phẩm dịch vụ tốt nhất trong những lĩnh vực mà ANZ có lợi thế cạnh tranh.

Cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính giữa các nước ASEAN sẽ có khả năng tăng cao và các ngân hàng cần chuẩn bị tốt hơn để phục vụ khách hàng của mình trong phạm vi lớn hơn.

Nhờ mạng lưới hoạt động trên 34 quốc gia, trong đó 29 quốc gia tập trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi có khả năng và thực sự mang lại giá trị gia tăng cho các công ty, tập đoàn quốc tế đầu tư vào Việt Nam, cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài. Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, xu hướng này sẽ gia tăng và chúng tôi sẽ có mặt để hỗ trợ cho sự phát triển này.

Vậy ông đánh giá ra sao về triển vọng phát triển của hệ thống ngân hàng trong năm 2016, năm bản lề cho giai đoạn 2016-2020?

Theo quan điểm của tôi thì năm 2015 đã là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam. Sau vài năm gặp nhiều thử thách trong công tác xử lý nợ xấu, NHNN đã đưa vào áp dụng những quy định và phương pháp quản lý nghiêm ngặt hơn đối với ngành ngân hàng. Nhờ vậy, phần lớn các ngân hàng đã đầu tư cho công tác quản trị rủi ro tốt hơn, cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hơn và hiện nay các ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn để phát triển và mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Điều này đã được minh chứng bởi sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong năm 2015.

Nhìn vào triển vọng 4 năm tới, sẽ có những yếu tố về thị trường trong nước và quốc tế cần được lưu ý. Về yếu tố trong nước, như chúng ta đã biết, Việt Nam sẽ tiến tới thực hiện Basel II vào năm 2018 và điều này đòi hỏi các ngân hàng cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể áp dụng được những tiêu chuẩn mới và đáp ứng được yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn.

Đối với các yếu tố quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập với thị trường trong khu vực và quốc tế thông qua các hiệp định thương mại. Vì thế, cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính giữa các nước ASEAN sẽ có khả năng tăng cao và các ngân hàng cần chuẩn bị tốt hơn để phục vụ khách hàng của mình trong phạm vi lớn hơn.

Hơn nữa, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng có nhiều thách thức. Các ngân hàng cần thận trọng với những thách thức trong một số ngành công nghiệp và sản xuất hàng hóa có thể chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Nhìn chung, ANZ lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ những biến động của kinh tế toàn cầu.

Hồng Dung thực hiện.


Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục