Cảnh báo rủi ro tín dụng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn thông báo huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Ảnh: Dũng Minh Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn thông báo huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Ảnh: Dũng Minh

Trông người lại ngẫm đến ta

Vào Google gõ từ khoá Evergrande, trong vòng 0,51 giây ra 36.900.000 kết quả cho thấy đây là cơn địa chấn trên thị trường tài chính. Các chuyên gia tài chính nhận định, “bom nợ” Evergrande nếu bị kích hoạt có thể tạo làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro. Thậm chí, trường hợp Evergrande sụp đổ sẽ trở thành “khoảnh khắc Lehman” cho Trung Quốc - thuật ngữ ám chỉ việc Tập đoàn Lehman Brothers (Mỹ) sau khi bị phá sản do khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn đã trực tiếp châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nhà sáng lập Evergrande khẳng định, Tập đoàn sẽ hoàn trả các sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, số tiền phải trả lên tới 300 tỷ USD, trong khi dòng tiền của Evergrande dần cạn kiệt và ngay quý IV/2021 cần trả 1,8 tỷ USD sản phẩm đầu tư lãi suất cao.

Sự kiện Evergrande cũng đặt ra câu chuyện mới với thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt đối với doanh nghiệp bất động sản liên quan đến khả năng trả nợ, nhất là qua hình thức phát hành trái phiếu.

Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ 1 - 17/9/2021 có 15 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị 10.894 tỷ đồng; ngân hàng và bất động sản vẫn là hai nhóm dẫn đầu về tổng giá trị phát hành.

Lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản trả cho nhà đầu tư trái phiếu cao gấp đôi, gấp ba lãi suất ngân hàng.

Ở nhóm bất động sản, Công ty TNHH Đầu tư Big Gain là doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất, với 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định năm đầu tiên và thả nổi các năm tiếp theo. Vốn huy động được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng của tổ chức phát hành với Công ty cổ phần Sunshine Sài Gòn. Trước đó, trong tháng 8/2021, Đầu tư Big Gain đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 - 4 năm, lãi suất dao động từ 8,2 - 13%/năm.

Một doanh nghiệp bất động sản đáng chú ý khác phát hành trái phiếu trong giai đoạn 1 - 17/9/2021 là Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios (Helios), huy động thành công 300 tỷ đồng trái phiếu có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 3 năm, với lãi suất cố định 10%/năm, được chi trả 6 tháng/lần. Đây là đợt huy động vốn tiếp theo đợt phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu của Helios ngày 23/6/2021, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất áp dụng với 4 kỳ tính lãi đầu tiên (kỳ tính lãi 3 tháng 1 lần) là 11%/năm, các kỳ tính lãi tiếp tiếp theo được tính bằng tổng của của lãi suất tiết kiệm thông thường áp dụng cho cá nhân, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ do TPBank công bố cộng biên độ 4%/năm, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn 11%.

Về thị trường trái phiếu tháng 8, có 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị 26.077 tỷ đồng, gồm 51 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng. Nhóm bất động sản vẫn xếp ở vị trí thứ hai về tổng giá trị phát hành, chiếm 34,3%, với 8.950 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, trong đó khoảng 15% được bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

So với lãi suất huy động ở các ngân hàng phổ biến từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng và từ 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng, lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản trả cho nhà đầu tư trái phiếu cao gấp đôi, gấp ba.

Lượng phát hành lớn nhất tháng 8 thuộc về Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) với hai lô trái phiếu có tổng giá trị 4.800 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng được phát hành thành công ngày 24/8/2021. Trái phiếu có lãi suất cố định ở mức 11%/năm và có bảo đảm bằng tài sản là cổ phần trong Công ty cổ phần Daeha và trong chính Bông Sen Corp.

Mức lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường thuộc về Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Ngày 11/8/2021, PDR đã huy động thành công thêm 200 tỷ đồng trái phiếu có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 13%/năm.

Có một số trường hợp huy động vốn trái phiếu trước đó nhưng kết thúc đợt phát hành trong tháng 8 như Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phước Long. Công ty này phát hành 1.050 tỷ đồng trái phiếu có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 5 năm, lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9%/năm, lãi suất mỗi kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần) bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1,1%/năm.

Một doanh nghiệp đều đặn gửi tin nhắn vào viber cho khá nhiều số điện thoại với nội dung mời gọi “đầu tư an toàn, hấp dẫn” thông qua hình thức mua trái phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trái phiếu của doanh nghiệp có lãi suất 11%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 10,5%/năm cho kỳ hạn 9 tháng, 10%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.

Bài học quá khứ

Tại cuộc họp với các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ trong lĩnh vực này nhằm bàn về việc mở “Gói tín dụng cho hàng không” vào đầu tuần qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn 2009 - 2010, nền kinh tế bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoán đã để lại 11% nợ xấu cho nền kinh tế.

“Đến tận bây giờ, ngành ngân hàng vẫn chưa thể giải quyết hết hậu quả này. Trong khi đó, nợ xấu nội bảng kiểm soát là 1,72%, còn nợ xấu có nguy cơ từ tái cơ cấu các khoản nợ chưa đánh giá hết đã lên 7%. Lo lắm!”, ông Tú nói.

Đáng chú ý, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2009 - 2010 có 2,4 - 2,7 triệu tỷ đồng, hiện tại tăng lên gần 10 triệu tỷ đồng, tức gấp 4 lần. Điều này khiến việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ trở nên khó khăn.

Được biết, giữa tháng 9/2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã có Văn bản 6561 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động.

Trong đó, văn bản này yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ và lưu ý các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn… để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

“Duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư”, Văn bản 6561 nêu rõ.

Trong một diễn biến có liên quan, báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa thu năm 2021” của Ngân hàng Thế giới vừa công bố đã đưa ra cảnh báo liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa và xã hội Việt Nam. Theo đó, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ.

“Việc tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn phải đi kèm với phòng trừ bất ổn tài chính tiềm tàng. Các biện pháp gia hạn thời hạn trả nợ hiện nay đang song hành với kỷ lục về tích tụ nợ ở khu vực tư nhân ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Các biện pháp này cần dần được gỡ bỏ một cách hệ thống và minh bạch như một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện. Các quốc gia trong khu vực cần tăng cường khung xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán để tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu và giải quyết nợ của doanh nghiệp”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục