Cảnh báo rủi ro phái sinh quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt mời chào đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế (CFD) được các nhân viên môi giới đưa ra với cơ hội thu lợi đặc biệt hấp dẫn.
Cảnh báo rủi ro phái sinh quốc tế

Đòn bẩy 1.000 lần

Các công ty môi giới CFD như MEX Group, ASX, IZI Trades… tiếp cận khách hàng qua kênh marketing online, chỉ cần nhấn nút “Like”, hay để lại một bình luận trên fanpage giới thiệu của các công ty này, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng được liên hệ, mời chào tham gia vào sân chơi quốc tế.

Trong cuộc tiếp xúc với nhân viên tư vấn của IZI Trades (trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Nissan, 434 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người viết được giới thiệu về cách đầu tư CFD.

Theo đó, nhà đầu tư chuyển tiền qua cổng Ngân lượng để đổi từ VND sang USD. Sau đó, số tiền này được chuyển vào tài khoản đầu tư ở các sàn mà công ty môi giới liên kết và nhà đầu tư có thể thực hiện các hoạt động mua, bán cổ phiếu.

Có nhiều loại tài khoản, tùy thuộc vào khả năng tài chính của nhà đầu tư. Ví dụ, với tài khoản Tiêu chuẩn, nhà đầu tư sẽ phải nộp vào tối thiểu cho lần nộp đầu là 1.000 USD.

Với tài khoản Ruby, Cao cấp và Kim Cương, số tiền nộp lần đầu tối thiểu lần lượt là 5.000 USD, 10.000 USD và 20.000 USD. Sự khác biệt cơ bản của các tài khoản này là ở yếu tố đòn bẩy và khối lượng giao dịch.

Chẳng hạn, với tài khoản Tiêu chuẩn, đòn bẩy ở mức 1:1.000, trong khi với tài khoản Ruby, Cao cấp và Kim Cương, mức này là 1:500. Khối lượng giao dịch tối thiểu với tài khoản Tiêu chuẩn là 0,01 lô, với tài khoản Ruby là 0,1 lô, với tài khoản Cao cấp và Kim cương là 1 lô...

Không những có lãi cao nếu giá tăng sau khi mua, ngay cả khi giá giảm, nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm được lợi nhuận bằng cách mở vị thế bán, sau đó mua lại ở mức giá thấp hơn để đóng vị thế.

Trong suốt quá trình đầu tư, IZI Trades sẽ có nhân viên tư vấn 24/24 giờ, giúp lựa chọn cổ phiếu tiềm năng và đưa ra giải pháp đầu tư phù hợp.

Nhìn nhận rủi ro

Nhiều người sau khi tiếp xúc với các môi giới CFD đã bị dẫn nhập vào mê hồn trận kiếm lợi nhuận và kết quả cuối cùng là thua lỗ.

Có những công ty môi giới, sàn giao dịch bị nhà đầu tư phản ánh có hành động xóa đi nhiều khoản lợi nhuận của khách hàng; trì hoãn khâu rút tiền của khách hàng trong nhiều tháng, khiến họ không thể rút tiền, kể cả vốn ban đầu; làm trượt lệnh và làm chậm lệnh giao dịch...

Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang được mời chào tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, với thủ tục đơn giản, đòn bẩy cao, cơ hội thu lời lớn, có sự tư vấn 24/24 của môi giới…

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang cho biết, hình thức đầu tư CFD đã có từ lâu, ưu điểm là hệ thống giao dịch nhanh, sản phẩm đa dạng, phong phú, đặc biệt đòn bẩy cao nên đầu tư đúng thì giá trị tài khoản tăng rất nhanh.

Nhược điểm nằm ở tính pháp lý của các sàn giao dịch mà nhà đầu tư mở tài khoản, vì có nhiều sàn có mục đích lừa đảo.

Ngoài ra, đòn bẩy cao là con dao 2 lưỡi, có thể dẫn đến “cháy” tài khoản “trong phút mốt” nếu giao dịch sai xu hướng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra vài phần trăm giá trị cổ phiếu để nắm giữ cổ phiếu có thể là hình thức đầu tư vào hợp đồng quyền chọn, chọn mua và chọn bán.

Nhà đầu tư cần kiểm tra xem công ty môi giới đó có chức năng, nhiệm vụ về môi giới đầu tư như vậy hay không.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, một nhà đầu tư ở Việt Nam muốn sở hữu cổ phiếu của một công ty nào đó ở Mỹ, hoặc là phải bỏ ra 100% tiền mua cổ phiếu, hoặc qua công ty chứng khoán để mua, ít nhất là 50 - 70% giá trị cổ phiếu, còn lại là công ty chứng khoán hỗ trợ (hình thức hợp tác đầu tư), chứ không thể có chuyện chỉ cần bỏ ra vài phần trăm là có thể sở hữu cổ phiếu rồi hưởng 100% lợi nhuận từ biến động giá đúng như dự đoán.

Đáng lưu ý, hình thức đầu tư CFD liên quan đến quản lý ngoại hối, chỉ những doanh nghiệp được cấp phép đầu tư ra nước ngoài mới được đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng với các lời mời gọi đầu tư vào CFD.

Quy định về quản lý ngoại hối Việt Nam chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính.

Với các pháp nhân, Bộ Tài chính có Thông tư 105/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nếu đáp ứng được các điều kiện thì được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động đầu tư CFD và cũng chưa có định nghĩa chính thức nào về “chứng khoán quốc tế” hay “chứng khoán phái sinh quốc tế”.

“Chúng tôi đã tham vấn một số chuyên gia về đầu tư chứng khoán trong nước, họ đều không mặn mà với hình thức đầu tư này, coi đây là sự biến tướng của sàn giao dịch vàng, forex (ngoại tệ). Trên thực tế, chúng tôi có nhiều khách hàng đến nhờ hỗ trợ pháp lý do bị mất tiền khi đầu tư CFD. Nhiều nhà đầu tư bị mất trắng tài sản”, ông Long nhấn mạnh.

Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài quy định: “Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó”. Nhà đầu tư phải thực hiện xây dựng đề án, nộp, được chấp thuận, sau đó mới tiến hành các bước trong quá trình đầu tư.

Để được coi là đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải có hai hoạt động: chuyển vốn để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Trong khi đó, với hình thức đầu tư CFD, hay ngay cả thông tin mà những nhà môi giới trong nước cung cấp cho nhà đầu tư thì hoạt động đầu tư CFD rất chung chung.

Theo đó, nhà đầu tư không biết đối tác của họ là ai, không kiểm soát được thực tế Công ty Ngân lượng có chuyển tiền của họ cho đối tác mà họ muốn đầu tư không, hay chuyển vào một tài khoản khác (do nhà môi giới chỉ định); nhà đầu tư không được tham gia quản lý hoạt động đầu tư, họ chỉ nhận được thông báo là mã chứng khoán/mã tiền tệ mà họ đầu tư lỗ hay lãi.

Hay nói cách khác, hoạt động đầu tư này còn đang rất “tù mù” và bị buông lỏng quản lý.

Với việc thông qua đơn vị trung gian để chuyển tiền ra nước ngoài thực hiện đầu tư, hình thức này còn có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối.

Đây cũng là vấn đề khiến các chuyên gia quan ngại, vì tiền được chuyển đầu tư không được kiểm soát. “Thậm chí, nó có thể dẫn đến câu chuyện rửa tiền”, ông Hiếu cảnh báo.

Theo quy định, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho các mục đích sau: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Thanh Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ