Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội với đầu tư, nhưng khó lường với thương mại

Trong khi cơ hội thu hút đầu tư đối với Việt Nam là khá rõ, thì với thương mại, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại được xem là khá khó lường.
Với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, môi trường thế giới đang có nhiều xáo động, thì trong trung và dài hạn, Việt Nam được lợi nhiều nhất về đầu tư, nhưng tích cực hay tiêu cực là do lựa chọn của chúng ta. Với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, môi trường thế giới đang có nhiều xáo động, thì trong trung và dài hạn, Việt Nam được lợi nhiều nhất về đầu tư, nhưng tích cực hay tiêu cực là do lựa chọn của chúng ta.

Lựa chọn nhà đầu tư tốt

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), vốn đầu tư nước ngoài giữ đà tăng liên tiếp trong những tháng đầu năm, cũng như việc Trung Quốc dẫn đầu về vốn đầu tư đăng ký cấp mới là tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để hướng tới các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, là một hiện tượng hiện hữu.

Ông Thành nhìn nhận, Việt Nam đang tiếp nhận một phần sự chuyển dịch này, song vẫn có sự phân luồng khá rõ về đầu tư.

Quan sát của VEPR cho thấy, các nước có công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... muốn tìm địa điểm để đầu tư dài hạn, nên họ cân nhắc rất kỹ môi trường thể chế, tiềm năng cung ứng lao động... Với nhóm nhà đầu tư này, Việt Nam chỉ là một trong các ứng viên trong khu vực, cùng với Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, chứ chưa thể khẳng định là điểm đến số 1.

Để đối phó với việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc có thể phá giá đồng nội tệ, làm hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh sẽ tăng lên. Khi đó, hàng hóa của Trung Quốc không chỉ tăng sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, mà còn cạnh tranh trên các thị trường khác và ngay trên chính thị trường Việt Nam

- Ông Cấn Văn Lực , chuyên gia kinh tế

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia không chỉ gần gũi về mặt địa lý, mà còn có nét tương đồng về văn hóa, hệ thống chính trị… Chính vậy, khi có diễn biến bất lợi, Việt Nam thường là điểm đến đầu tiên của họ. Điều này dẫn đến khuynh hướng đầu tư của Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam như thời gian qua.

Dẫn lại quá khứ trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật đã tạo nên một làn sóng thịnh vượng cho Trung Quốc bằng sự dịch chuyển của hàng loạt nhà máy, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, bối cảnh hiện tại đối với Việt Nam cũng tương tự.

“Với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, môi trường thế giới đang có nhiều xáo động, thì trong trung và dài hạn, Việt Nam được lợi nhiều nhất về đầu tư, nhưng tích cực hay tiêu cực là do lựa chọn của chúng ta”, ông Thành nói.

Lời khuyên của vị chuyên gia này là, Việt Nam hoàn toàn có thể tác động đến ý chí của các nhà đầu tư tiềm năng bằng sự cầu thị, thể hiện bằng việc tự hoàn thiện bản thân thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống thực thi pháp luật để có thể chọn lựa được những nhà đầu tư tốt, phù hợp với định hướng đặt ra.

Tác động pha trộn với thương mại

Về thương mại, theo đánh giá của VEPR, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có sự pha trộn. Với thế mạnh chủ lực là nông - thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc vì Trung Quốc đang chiếm thị phần khá lớn trong các ngành hàng này tại Mỹ.

Trong khi đó, với nhóm hàng Trung Quốc phải nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam ít có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng này. Mặt khác, hàng hóa Việt Nam có thể phải cạnh tranh hơn, thậm chí bị hạn chế vào Trung Quốc, khi hàng Trung Quốc quay đầu trở về thị trường nội địa.

“Theo quan sát của chúng tôi, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có dấu hiệu giảm từ quý III/2018 và ngày càng giảm mạnh. Sự suy giảm này thậm chí còn lớn hơn về số lượng, quy mô, so với việc tăng xuất khẩu qua Mỹ”, ông Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Tuy vậy, Viện trưởng VEPR đánh giá, trong tương lai, có thể xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng hơn so với phần giảm ở Trung Quốc và khi đó, lợi thế lại thuộc về Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, hiệu ứng đối với thương mại là pha trộn và không rõ ràng, không giống như đầu tư.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo, theo tính toán, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ tranh thủ được 20 - 25% thị phần, tương đương 18 - 23 tỷ USD trong tổng số 66 tỷ USD hàng tiêu dùng - thực phẩm và 25 tỷ USD hàng điện tử, điện thoại và linh kiện Mỹ đang phải nhập khẩu.

Đối với các mặt hàng tư liệu sản xuất, thiết bị công nghiệp, phương tiện vận tải…, điều đáng tiếc là Việt Nam không tận dụng được cơ hội để “thay thế hàng Trung Quốc”, vì không có thế mạnh.

Đưa ra dự báo như trên, song chuyên gia Cấn Văn Lực cũng vẫn lưu ý, trên lý thuyết thì như vậy, còn thực tế, doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lỗ hổng trên thị trường Mỹ do hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để lại hay không lại là chuyện khác, vì nước nào cũng muốn xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường Mỹ để thay thế hàng Trung Quốc.

Anh Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục