Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/5 thông báo trên Twitter rằng mức thuế nhập khẩu 10% đang áp dụng với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ được tăng lên thành 25%. Trump vốn đe dọa tăng thuế từ đầu năm nhưng hoãn lại quyết định để tạo đà cho Mỹ - Trung Quốc đàm phán thương mại.
Tuyên bố này gây bất ngờ vì nó hé lộ rằng cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên không diễn ra suôn sẻ, bất chấp những tuyên bố đầy lạc quan của hai bên trước đó. Ngày 10/5, lệnh áp thuế có hiệu lực, khiến Trung Quốc vài ngày sau tung ra đòn trả đũa.
Trong khi các quan chức Trung Quốc giữ kín những gì được thảo luận về vấn đề thương mại trong 10 tháng qua, giới chức Mỹ, đặc biệt là Trump, liên tục tiết lộ chi tiết về diễn biến đàm phán thông qua các bình luận công khai.
Ngày 8/5, Mỹ hé lộ rằng khi các cuộc đàm phán sắp ngã ngũ, Trung Quốc ngày 1/5 đột ngột viết lại dự thảo, xóa đi các cam kết về việc thay đổi luật pháp, vốn là mấu chốt để giải quyết các phàn nàn khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại. Khi phát biểu trước một hiệp hội bất động sản ngày 17/5, Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc đã phá vỡ những điểm mà hai bên đã đồng ý, khiến tiến trình đàm phán chững lại.
Wu Qiang, nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, nói rằng "nếu chiến tranh thương mại là một cuộc chiến thông tin, Trung Quốc đã ở phe yếu thế ngay từ đầu".
Trái ngược với chính quyền Trump, Bắc Kinh đã kiểm duyệt tin tức và các cuộc thảo luận về chiến tranh thương mại kể từ khi Mỹ lần đầu tiên áp thuế với hàng Trung Quốc tháng 7 năm ngoái. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong những chủ đề được kiểm duyệt nhiều nhất năm ngoái trên WeChat của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ảnh chụp màn hình các dòng tweet của Trump và thông tin từ truyền thông quốc tế về đàm phán thương mại đã được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nước này. Sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đều giảm điểm sau tuyên bố về kế hoạch tăng thuế trên Twitter của Trump.
"Bắc Kinh đã tiết lộ rất ít thông tin về các cuộc đàm phán trong năm qua. Vì vậy, mọi người đều theo dõi các tuyên bố của Trump để nắm thông tin", Wu Qiang nói. "Các dòng tweet của Trump có thể gây ra những phản ứng lớn trên mạng xã hội và thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chúng cũng có thể kích động tờ Global Times, phụ bản của báo đảng People's Daily, đáp trả bằng những bài xã luận".
Khi Trump thông báo kế hoạch tăng hơn gấp đôi thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc ngày 5/5, các quan chức và cố vấn Nhà Trắng đã nhanh chóng chỉ trích Bắc Kinh là "thất hứa", trong khi các lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào trong nhiều ngày sau đó. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lặp lại thông báo rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục.
5 ngày sau khi đòn áp thuế đi vào hiệu lực, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán hàng đầu của Bắc Kinh, mới mô tả câu chuyện theo góc độ của Trung Quốc. Bắc Kinh giải thích ba lý do họ đột ngột thay đổi cam kết là Washington từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý; Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc.
Chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân dân Shi Yinhong cho biết sự chậm trễ này cho thấy Trung Quốc cảm thấy "tiến thoái lưỡng nan" trong việc tiết lộ thông tin.
"Câu chuyện đã được Mỹ kể theo góc độ của họ, đó là lý do ông Lưu phải giải thích lý do thỏa thuận đổ bể vào phút chót theo góc độ của Trung Quốc", ông Shi nói. "Rõ ràng Trung Quốc không muốn tiết lộ các yêu cầu mấu chốt của mình trong các cuộc đàm phán".
"Bắc Kinh có thể lo ngại rằng họ sẽ khuấy động thêm căng thẳng với Mỹ nếu tiết lộ quá nhiều. Hầu như tất cả chính phủ khác đều phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự khi làm việc với Trump", Shi nói thêm.
Một người làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nhân viên nhiều lần được cảnh báo không tiết lộ diễn biến trong các cuộc đàm phán thương mại. "Những diễn biến tình hình này là thông tin mật", ông nói. "Nếu thông tin bị rò rỉ thì sẽ có người phải chịu trách nhiệm. Không ai dám làm trái quy tắc".
Richard McGregor, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Lowy, cho rằng dù Trung Quốc không muốn Trump công khai diễn biến đàm phán, họ cũng không thể có biện pháp đối phó.
"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng sẽ không lên Twitter để liên tục bày tỏ quan điểm như Trump. Họ sẽ phải tiếp tục dựa vào 'vũ khí' là truyền thông nhà nước, cùng với việc quản lý mạng xã hội", McGregor nhận xét.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng chiến thuật của Trump không hẳn sẽ mang lại cho Washington lợi thế. Stephen Orlins, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, nói rằng việc tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán sẽ chỉ khiến hai bên ít khả năng đạt được thỏa thuận hơn.
"Người Trung Quốc có quan điểm rằng nếu muốn đạt được thỏa thuận thì không nên tiết lộ thông tin ra bên ngoài", Orlins nói. "Nếu bạn khiến họ bị dồn vào chân tường, việc đó sẽ giảm khả năng đạt được thỏa thuận".
Ryan Hass, cựu quan chức về chính sách với Trung Quốc dưới thời Obama, có cùng quan điểm. Hass cho rằng Trump vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc có cớ cáo buộc ông đơn phương gây hấn.
Trong khi đó, Bắc Kinh thúc đẩy mạnh những lập luận mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Một loạt bình luận và bài xã luận trên truyền thông nhà nước đã đổ lỗi cho Washington về sự leo thang căng thẳng.
Ngày 17/5, People’s Daily đăng một bài bình luận trên trang nhất nói rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ không khiến Trung Quốc phải quỳ gối. Truyền hình nhà nước Trung Quốc tuần này phát sóng ba bộ phim về Chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953, trong đó quân Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên trong khi Mỹ hậu thuẫn Hàn Quốc.
"Sự thay đổi trong ngôn ngữ phản ánh quan điểm của họ về khả năng đạt được thỏa thuận. Có thể nói Trung Quốc đang trở nên bi quan hơn", McGregor nhận xét.