Căng thẳng giữa Nga và Phương Tây về Ukraine ngày càng tăng nhiệt

0:00 / 0:00
0:00

Hôm qua (5/2), những binh lính Mỹ được tăng cường đầu tiên đã tới Ba Lan; trong khi các lô vũ khí của các nước phương Tây liên tiếp được gửi tới Ukraine, giữa lúc căng thẳng với Nga chưa thể hạ nhiệt. 

Một máy bay của Lực lượng Không quân Mỹ hạ cánh xuống Sân bay Rzeszow-Jasionka gần Rzeszow, Ba Lan ngày 5/2. Ảnh: Patryk Ogorzalek. Một máy bay của Lực lượng Không quân Mỹ hạ cánh xuống Sân bay Rzeszow-Jasionka gần Rzeszow, Ba Lan ngày 5/2. Ảnh: Patryk Ogorzalek.

Những binh sĩ đầu tiên trong tổng số 1.700 quân được Mỹ tăng cường đã tới Ba Lan hôm qua và các binh sĩ Mỹ khác sẽ tiếp tục được đưa tới Ba Lan trong ngày hôm nay. Đây là một phần nỗ lực của Mỹ để hỗ trợ các đồng minh NATO ở Đông Âu trong bối cảnh phương Tây đang lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine.

Cũng trong ngày hôm qua, một lô vũ khí nữa của Mỹ trong gói hỗ trợ 200 triệu USD tiếp tục được chuyển tới Ukraine. Theo sau Mỹ và Anh, dự kiến các lô vũ khí của Ba Lan cũng sẽ tới Ukraine trong những ngày tới.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: “Để hàng xóm Ukraine của chúng tôi có thể tự vệ tốt nhất, chúng tôi sẽ chuyển giao lô vũ khí phòng thủ cho Ukraine, với hàng chục nghìn quả đạn pháo và những khẩu súng cối, súng phóng lựu. Ngay trong tuần tới, chuyến vận tải đầu tiên sẽ đến biên giới phía đông của chúng tôi, để Ukraine không thể thất thủ trước sự xâm lấn từ Nga".

Trong những ngày qua, cả Nga và Ukraine đều tiến hành tập trận quy mô, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh cận kề. Theo nhận định của một số quan chức Mỹ, Nga đã tập hợp khoảng 70% sức mạnh chiến đấu cho một cuộc tấn công và đang gửi thêm các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn đến biên giới Ukraine.

Hãng tin Bloomberg hôm qua còn đăng tải nhầm tin Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, nhưng sau đó phải gỡ xuống với lời lý giải chuẩn bị tin trước cho khả năng này.

Điều này đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tình huống đang ở mức độ nguy hiểm và bị kích động hàng ngày bởi những tuyên bố gây hấn từ Mỹ, Anh và các chính quyền khác ở châu Âu. Giữa ngọn lửa căng thẳng âm ỉ như vậy, mọi tia lửa đều có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Trước tình hình căng thẳng, Đức vẫn nhất quyết không hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, khẳng định Berlin không cho phép xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự; bất chấp các chỉ trích của Ukraine về việc Đức từ chối cung cấp vũ khí cho nước này.

Cũng liên quan đến tình hình, hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì đối thoại để tình hình Ukraine giảm leo thang.

Dự kiến, ông Macron sẽ thăm Nga vào ngày 7/2 và đến Ukraine sau đó một ngày. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ tới thăm 2 quốc gia này sau đó, nhằm tìm hướng hạ nhiệt căng thẳng. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine đã tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò hòa giải cho những bất đồng giữa hai nước.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục