Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 12/04, cổ đông Cảng Quy Nhơn đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 28% so với thực hiện năm 2023; song lợi nhuận trước thuế lại giảm 20%, về mức 115 tỷ đồng.
QNP sẽ duy trì toàn bộ các khách hàng hiện hữu, phát triển khách hàng mới và tăng trưởng thị phần hàng hóa trong khu vực, đồng thời tập trung nguồn lực, tận dụng tối đa lợi thế của hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics của VIMC để triển khai chương trình marketing chuỗi, cung cấp các dịch vụ ngoài bốc xếp, các dịch vụ logistics.
Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng,mở rộng vùng hàng hóa cho cảng; đẩy mạnh phát triển nguồn hàng từ các thị trường tiềm năng như Tây Nguyên, Lào, Campuchia...; đẩy nhanh tiến độ đầu tư trang thiết bị khai thác cho bến số 1 cảng Quy Nhơn.
Phần thảo luận do ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc điều hành.
Tại sao kế hoạch doanh thu năm 2024 tăng 28% nhưng lợi nhuận lại giảm 20% so với thực hiện năm 2023? Đề nghị Ban lãnh đạo chia sẻ việc khấu hao thực hiện theo phương thức nào, phân bổ như thế nào?
Ông Lê Hồng Quân: Để tăng doanh thu, Cảng Quy Nhơn phải tập trung phát triển dịch vụ logistics, kiểm soát nguồn hàng. Việc trích khẩu hao được Công ty thực hiện theo quy định của nhà nước, ngoài ra, trong năm 2024, Công ty còn phải trả thêm chi phí lãi vay và tiền thuê đất, tổng giá trị dự kiến khoảng 50 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận giảm 20% so với thực hiện năm 2023.
Cảng Quy Nhơn là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ hơn 75% vốn điều lệ, việc trích quỹ đầu tư phát triển có phù hợp với quy định của Bộ Tài chính không?
Ông Nguyễn Quang Dũng: Về trích lập quỹ đầu tư phát triển, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nhà nước được trích không quá 30% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển. Cảng Quy Nhơn là công ty có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước, không phải là doanh nghiệp nhà nước. Thời gian tới, Công ty có kế hoạch đầu tư nhiều dự án, việc trích lập quỹ đầu tư phát triển nhằm thực hiện các dự án đầu tư nêu trong kế hoạch đầu tư, không cần thực hiện huy động vốn.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có lộ trình thoái vốn đối với Cảng Quy Nhơn không? Nếu có thì theo phương thức gì và tỷ trọng bao nhiêu?
Ông Nguyễn Quang Dũng: Theo đề án, dự kiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại CTCP Cảng Quy Nhơn xuống còn 61%. Trường hợp đề án được thông qua, Hội đồng quản trị công ty sẽ xây dựng lộ trình tăng vốn, nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển, như dự án đầu tư cảng cạn ICD...
Với quy mô hiện nay, Ban lãnh đạo đánh giá chi phí thuê đất như thế nào? Có ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty không?
Ông Lê Hồng Quân: Chi phí đất hiện nay được thực hiện theo quy định, chính sách giá của Nhà nước. Chi phí tiền thuê đất sẽ được Ban lãnh đạo Công ty cân đối với giá dịch vụ xếp dỡ nhằm giữ được biên độ lợi nhuận.
Mong ban lãnh đạo chia sẻ thêm về các kế hoạch đầu tư, hiệu quả đầu tư, huy động vốn trong 3 – 5 năm tới?
Ông Lê Hồng Quân: Về định hướng công tác đầu tư trong thời gian tới sẽ được Ban lãnh đạo Công ty triển khai căn cứ tình hình hoạt động, phát triển của Công ty trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, cổ đông cũng ý kiến Cảng Quy Nhơn đã niêm yết trên HOSE, sắp tới theo quy định phải thực hiện công bố thông tin song ngữ, Công ty cần đổi mới, tránh các tư duy lối mòn.
Ông Lê Hồng Quân cho biết thêm, vừa qua, QNP đã phối hợp với Công ty Chứng khoán FPT hướng dẫn, đào tào cho gần 50 cán bộ, công nhân viên nhằm nâng cao năng lực quản lý về quản trị Công ty, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, các giải pháp về quản trị…
Cổ phiếu QNP được niêm yết trên HOSE từ ngày 18/01/2024 với giá tham chiếu là 19.100 đồng/CP. Đến nay, cổ phiếu đã tăng xấp xỉ 65%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/04, cổ phiếu QNP đạt 31.500 đồng/CP.