Cảng nước sâu Gemalink chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 19/01/2021, Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (Gemalink) đã chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên sau giai đoạn xây dựng.
Toàn cảnh chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA – CGM tại Cảng Gemalink (Ảnh: Lê Toàn) Toàn cảnh chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA – CGM tại Cảng Gemalink (Ảnh: Lê Toàn)

Chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng Gemalink thuộc tuyến JAX trên hải trình kết nối giữa châu Á với Mỹ. Siêu tàu này của Hãng tàu CMA – CGM có tải trọng 165.375 DWT, chiều dài 365,5 m và sản lượng container xếp/dỡ đạt gần 8.500 Teu.

Chia sẻ tại sự kiện quan trọng này, lãnh đạo Gemalink cho biết: “Với những triển vọng tích cực từ thị trường như các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cảng nước sâu Gemalink hy vọng sẽ trở thành một động lực quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung, phát huy vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển các Trung tâm Logistics, mạng lưới ICD vệ tinh, kho bãi liền kề, khu-cụm công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ…”.

Lãnh đạo Gemadept chụp ảnh đón chuyến tàu thương mại đầu tiên tại Cảng Gemalink (Ảnh: Lê Toàn)
Lãnh đạo Gemadept chụp ảnh đón chuyến tàu thương mại đầu tiên tại Cảng Gemalink (Ảnh: Lê Toàn)

Thực tế cho thấy, với tốc độ tăng trưởng hàng hoá bình quân 20%/năm ở khu vực cảng Cái Mép cùng xu hướng các hãng tàu không ngừng gia tăng kích cỡ tàu để tiết giảm chi phí khai thác, thực trạng kẹt cầu bến tại các cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu lớn của khu vực Cái Mép - Thị Vải là một bài toán khó.

Do đó, Gemalink được đưa vào khai thác đúng thời điểm sẽ là đáp án giải quyết bài toán khó khăn này của thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các hãng tàu và khách hàng XNK, nâng cao tính cạnh tranh và cắt giảm chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam đến với thị trường trên khắp thế giới.

Cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 02/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT.

Năng lực xếp dỡ của Cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. Trong giai đoạn 1, Cảng khai thác 800 m cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ và 230 m bến dành cho tàu feeder và sà lan, trên diện tích 33 ha. Gemalink chú trọng đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại, trong đó dàn 6 cẩu STS và 18 cẩu E-RTG của Gemalink thuộc thế hệ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án Cảng Gemalink là 330 triệu USD. Đây là dự án do 2 tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Công ty cổ phần Gemadept (GMD là 75%) và Tập đoàn CMA-CGM (25%) góp vốn cùng đầu tư.

Cảng Gemalink nằm tại khu vực hạ lưu sông Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu, sở hữu những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội để có thể trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn của thế giới. Đó chính là vị trí đắc địa (nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu); tổng chiều dài cầu bến toàn dự án là 1.500 m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng.

Đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia…

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục