Cảng hàng không tăng phí, mỗi vé máy bay sẽ phải cộng thêm bao nhiêu tiền?

Bắt đầu từ ngày 1/10/2017, việc điều chỉnh tăng mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không chính thức được áp dụng với lộ trình kéo dài từ nay đến tháng 7/2018.
Không ít ý kiến cho rằng, việc tăng giá một số dịch vụ mặt đất tại các sân bay làm tăng chi phí của hành khách, đồng thời thể hiện sự áp đặt, độc quyền của đơn vị khai thác cảng, trong khi chất lượng phục vụ còn bất cập Không ít ý kiến cho rằng, việc tăng giá một số dịch vụ mặt đất tại các sân bay làm tăng chi phí của hành khách, đồng thời thể hiện sự áp đặt, độc quyền của đơn vị khai thác cảng, trong khi chất lượng phục vụ còn bất cập

Cần phải nói thêm rằng, các loại phí này dù được thực hiện theo Quyết định số 2345/QĐ - BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, và được các hãng hàng không thu hộ đơn vị chủ cảng hoặc cơ quan an ninh sân bay, không được tính vào giá vé máy bay, nhưng về bản chất, hành khách vẫn mất thêm chi phí cho việc đi lại bằng đường hàng không.

Tính tổng cộng, cho đến khi lộ trình tăng phí tại các sân bay nội địa kết thúc, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị chủ quản các cảng hàng không đang vận hành, có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm. Đổi lại, chi phí của Vietnam Airlines sẽ tăng 87,75 tỷ đồng; Vietjet Air tăng 55,41 tỷ đồng; Jetstar Pacific tăng 18,38 tỷ đồng. Với hành khách, chi phí phát sinh cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng/lượt.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, việc tăng giá một số dịch vụ mặt đất tại các sân bay áp dụng cho các đường bay nội địa, nếu được thông qua, sẽ làm tăng chi phí của hành khách, đồng thời thể hiện sự áp đặt, độc quyền của đơn vị khai thác cảng, trong khi chất lượng phục vụ tại nhiều sân bay vẫn còn bất cập.

Tuy nhiên, đơn vị ban hành quyết định (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng có cơ sở để phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa giá dịch vụ hàng không áp dụng cho chuyến bay trong nước với quốc tế để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khai thác tài sản.

Chi phí của Vietnam Airlines sẽ tăng 87,75 tỷ đồng; Vietjet Air tăng 55,41 tỷ đồng; Jetstar Pacific tăng 18,38 tỷ đồng. Với hành khách, chi phí phát sinh cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng/lượt.

Theo thông tin từ chủ cảng, trong khi chi phí đầu tư cảng hàng không quốc tế và nội địa chỉ chênh lệch nhau 20 - 30% thì cơ cấu, số lượt cất hạ cánh và sản lượng hành khách nội địa chiếm 2/3 tổng sản lượng phục vụ. Song theo Quyết định 1992/2014/BTC của Bộ Tài chính, mức giá dịch vụ cất hạ cánh với đường bay nội địa hiện thấp hơn 2,5 lần đường bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2,5 đến 8 lần (tùy từng sân bay), mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần.

Điều này dẫn đến giá dịch vụ hàng không áp dụng cho chuyến bay quốc nội đang rất thấp, chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác và chênh lệch lớn với giá dịch vụ áp dụng cho chuyến bay quốc tế. Với chính sách giá như hiện nay, khả năng thu hồi vốn khi thực hiện đầu tư các cảng hàng không, sân bay (không chỉ riêng với ACV, mà với bất kỳ nhà đầu tư nào) là vô cùng khó khăn.

Cần phải nói thêm rằng, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà kêu gọi hay bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Chính sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tư nhân đã làm cho thị trường khai thác, vận hành các cảng hàng không thiếu đi sự cạnh tranh. Đồng thời, Nhà nước cũng bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn trong khi nhu cầu vốn vào lĩnh vực này là rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách.

Trên thực tế, chính sách giá thấp áp dụng cho các hãng hàng không trong nước như hiện nay là hình thức mà Nhà nước đang bù đầu vào cho các hãng hàng không thông qua ACV. Điều này làm méo mó thị trường vận tải, hạn chế sự phát triển của các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ, trong khi công năng, tiện ích của vận tải hàng không lớn hơn rất nhiều.

Sẽ cần thêm những giải trình, cam kết cụ thể của đơn vị khai thác sân bay trong việc sử dụng minh bạch, hợp lý số tiền thu thêm vào việc đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không. Bên cạnh đó, sẽ rất không công bằng cho hành khách và các hãng hàng không khi họ phải mua dịch vụ hàng không chi phí cao, nhưng chất lượng sân bay vẫn giậm chân tại chỗ, ùn tắc, chậm hủy chuyến kéo dài.

Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, hãng hàng không và đại diện người tiêu dùng cần vào cuộc để giám sát, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các sân bay sau khi lộ trình tăng phí được khởi động. Những yêu cầu mang tính bắt buộc này là nhằm đảm bảo, sau khi tăng phí, hành khách đi máy bay phải được hưởng các dịch vụ tốt tại sân bay với chất lượng cao hơn, với chi phí hợp lý nhất. Đây mới là mục đích cao nhất của đợt điều chỉnh một loạt phí dịch vụ của lĩnh vực có nhiều nét đặc thù này.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục