Cảng Hải Phòng: Không thoái vốn nhà nước trong năm 2020

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư trông chờ cơ hội kiếm lời từ hoạt động thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, theo kế hoạch, việc thoái vốn sẽ không diễn ra trong năm 2020.
Cảng Hải Phòng: Không thoái vốn nhà nước trong năm 2020

Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa hóa năm 2014 và có vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, phần vốn nhà nước do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ chiếm 92,56% vốn điều lệ. Là cảng biển lớn nhất miền Bắc, Cảng Hải Phòng có nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Trong bối cảnh các đợt thoái vốn nhà nước vài năm đây thường tạo sóng cổ phiếu, lâu lâu các nhà đầu tư lại xôn xao đồn đoán về thông tin thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Cảng Hải Phòng.

Thực tế, nhà đầu tư trên thị trường có cơ hội kiếm lời từ nhiều đợt thoái vốn của Nhà nước, do đó, việc mong đợi thông tin thoái vốn từ các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng là điều dễ hiểu.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, Cảng Hải Phòng cho biết, theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả tái cơ cấu và phương án cổ phần hóa Vinalines ngày 30/12/2016, Cảng Hải Phòng là doanh nghiệp do Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.

Cảng Hải Phòng đã thực hiện cổ phần hóa từ tháng 7/2014 và hiện nay, vốn góp của Nhà nước (thông qua Vinalines) là 92,56%. Chủ trương thoái vốn nhà nước tại công ty này là quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thông tin từ Vinalines, theo kế hoạch tái cơ cấu được phê duyệt, Công ty mẹ - Tổng công ty sẽ tiến hành thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên trong năm 2020.

Vinalines dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) từ 51% xuống 49%, tại CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) từ 51% xuống 36%, tại CTCP Ðầu tư Cảng Cái Lân (CPI) từ 56,58% xuống 51%, tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.

Tổng công ty sẽ thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp gồm CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST, 49%), CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG, 26,46%) CTCP Hợp tác lao động với nước ngoài (ILC, 24,9%), CTCP Ðầu tư và thương mại hàng hải (12,94%), CTCP Hàng hải Ðông Ðô (DDM, 48,97%), CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Ðông (NOS, 49%) và CTCP Vinalines Nha Trang (98,34%).

Ngoài ra, Vinalines dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PEG).

Hiện tại, trong kế hoạch năm 2020, không có nội dung thoái vốn nhà nước tại Cảng Hải Phòng.

Chia sẻ thêm về vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược, Cảng Hải Phòng cho biết, mục đích lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa là mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư có uy tín, có năng lực tài chính, có sự cam kết gắn bó lâu dài và có khả năng hỗ trợ Công ty trong hoạt động sản xuất - kinh doanh về phát triển thị trường khai thác cảng, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; cung ứng nguyên nhiên vật liệu; chuyển giao công nghệ mới, hiện đại...

Tại thời điểm cổ phần hóa, VietinBank có đăng ký tham gia là nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, do còn vướng mắc những quy định từ phía ngân hàng về đầu tư ngoài ngành nên cuối cùng VietinBank không tham gia.

Hiện chưa có chủ trương thoái vốn nhà nước tại Cảng Hải Phòng, do vậy chưa lựa chọn các cổ đông chiến lược. Khi có chủ trương thoái vốn, Công ty sẽ công bố thông tin ra công chúng.

Ðáng chú ý, Cảng Hải Phòng đang hạch toán, quản lý và khai thác hai cầu cảng số 4, số 5 thuộc bến cảng Chùa Vẽ.

Ðây là tài sản Nhà nước đầu tư bằng vốn vay ODA, sau đó bàn giao cho Công ty quản lý, khai thác. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giá trị 2 cầu cảng chưa được kết toán.

Ðến nay, vấn đề xử lý giá trị 2 cầu cảng này chưa kết thúc, dẫn tới báo cáo tài chính năm 2019 của Cảng Hải Phòng có ý kiến ngoại trừ.

Theo đó, Cảng Hải Phòng ghi nhận giá trị tài sản này là 150 tỷ đồng. Công ty tạm ghi nhận giá trị các khoản vay liên quan đến các tài sản này và chi phí lãi vay phải trả ước tính tại 31/12/2019 lần lượt là 383 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.

Công ty đang chờ phê duyệt chính thức của Bộ Tài chính về phương án vay, trả nợ và sẽ điều chỉnh báo cáo tài chính nếu cần thiết.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục