PHP được cổ phần hóa từ năm 2014, vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, phần vốn nhà nước do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ chiếm 92,56% vốn điều lệ.
Với quy mô vốn này, PHP hiện là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp cảng biển trên 2 sàn niêm yết.
Tiềm năng tăng trưởng của PHP được đánh giá cao với khả năng mở rộng công suất từ cảng Tân Vũ và việc sở hữu 6/9 cầu khu vực cảng Lạch Huyện. Đây đều là những cảng nước sâu, có vị trí tốt để thu hút nguồn hàng.
Năm 2018, PHP bắt đầu xây dựng 2 cầu tàu đầu tiên tại cảng Lạch Huyện, hoạt động thay thế cho cảng Hoàng Diệu.
Dự án đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực này đã hoàn thành hồ sơ đề xuất đầu tư, đã được các bộ, ngành liên quan thẩm định và hiện đang chờ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau khi được phê duyệt, PHP sẽ tiến hành khảo sát, lập thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức chọn nhà thầu thi công xây dựng.
Tổng thời gian khoảng 60 tháng. PHP dự kiến hoàn thành bến số 3 trước để đưa vào khai thác trong quý II/2021.
Lợi thế là vậy, nhưng kết quả kinh doanh 3 năm gần đây của PHP lại chưa thể bứt phá. Theo Báo cáo tài chính riêng quý I/2020, PHP đạt doanh thu 258,1 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2019; lợi nhuận gộp đạt 84 tỷ đồng, tăng 8,5 tỷ đồng so với con số của cùng kỳ.
Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 3 tỷ đồng lên 24,7 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt 80,4 tỷ đồng, tăng 60%. Kết quả là lợi nhuận sau thuế đạt 62,7 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2019, PHP đạt doanh thu 1.169 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 386 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 329 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 311 tỷ đồng lãi ròng của năm 2018.
Tài sản dài hạn chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty con với 1.279 tỷ đồng. PHP có hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn từ 3-12 tháng.
Đáng chú ý, việc tìm cổ đông chiến lược cho PHP diễn ra không mấy suôn sẻ. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ 75% vốn điều lệ, số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 10,26%, bán đấu giá công khai là 11,51%, còn lại là bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên và tổ chức công đoàn.
Phương án cổ phần hóa đưa ra hàng loạt tiêu chí dành cho nhà đầu tư chiến lược và đã xác định được một cái tên là VietinBank.
Sau này, Vinalines được chấp thuận nhượng cổ phần tại PHP cho đối tác chiến lược là Quỹ Oman theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn trên 92% và không có nhà đầu tư nào khác sở hữu trên 5%. Đây là lý do khiến PHP nằm trong nhóm cổ phiếu cô đặc nhất hiện nay, ảnh hưởng tới tính thanh khoản cổ phiếu.
Với những lợi thế về quy mô, vị trí địa lý…, tiềm năng phát triển của PHP được đánh giá cao, nên dễ hiểu thông tin về việc thoái vốn nhà nước tại đây được thị trường chú ý.
Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này vẫn chưa thể diễn ra. Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với PHP để tìm hiểu về lộ trình thoái vốn, cũng như công tác tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHP cũng giảm từ đầu năm đến nay, hiện giao dịch quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu (tức giảm khoảng 15% kể từ đầu năm), khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt khoảng 7.000 đơn vị/phiên.