Cảng Gemalink đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tới thăm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gemalink là dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích lên đến 72 ha.
Cảng Gemalink đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tới thăm

Ngày 2/7/2020, ông Nicolas Warnery - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, đại diện hãng tàu Pháp CMA CGM đã tới thăm và làm việc tại Cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Gemalink là dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích lên đến 72 ha. Đây là dự án do 2 tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là CTCP Gemadept (Mã chứng khoán: GMD – sàn HOSE) sở hữu 75% và CMA-CGM sở hữu 25% cùng góp vốn thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 520 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 330 triệu USD.

Cảng Gemalink đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tới thăm ảnh 1
Đại sứ chụp ảnh lưu niệm tại cảnh Gamalink

Cảng được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 02/2019. Triển khai dự án chiến lược quan trọng này, Gemadept đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát kinh nghiệm, uy tín hàng đầu trong việc xây dựng các dự án cảng nước sâu tại Việt Nam và trên Thế giới. Đến nay, Cảng đã hoàn thành khoảng 80% tiến độ xây dựng, tất cả các hạng mục đang được triển khai đúng tiến độ, sẵn sàng để Gemalink vận hành thử nghiệm trong Quý 4/2020 và chính thức đưa vào vận hành khai thác từ Quý 1/2021.

Khi hoàn thành, Gemalink sẽ trở thành một trong 19 cảng nước sâu lớn trên thế giới có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Gemalink được trang bị các thiết bị và công nghệ đồng bộ hiện đại với năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200.000 DWT tương đương 23.000 TEU. Năng lực xếp dỡ của Cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm.

Gemalink sở hữu những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội. Đó chính là vị trí đắc địa nằm gần luồng hàng hải quốc tế, ngay cửa sông Thị Vải – Cái Mép với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu; tổng chiều dài cầu bến là 1.500m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 2 tàu Feeder ra vào làm hàng; đây cũng là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối các nước khu vực Châu Á như Philippines, Thái Lan, Campuchia và trong nước như Hải Phòng, Đà nẵng, Qui Nhơn cũng như khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long

Sản lượng hàng hoá qua các cảng Cái Mép tăng trưởng nhanh và ổn định

Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng nhóm 5 đạt trên 11 triệu TEU, trong đó riêng khu vực Cái Mép đạt sản lượng trên 3,7 triệu TEU với tốc độ tăng trưởng gần 30%.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các cảng tại Cái Mép vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng cao, tương đương tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là các cảng tại khu vực TP.HCM và kể cả các cảng hiện hữu phù hợp với nhu cầu của thị trường tại Cái Mép đều đang hoạt động vượt công suất, trong khi sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với làn sóng đầu tư FDI, xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc và đặc biệt sau khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) chính thức có hiệu lực; điều này đặt ra nhu cầu bức bách phát triển cảng nước sâu chiến lược tại vùng cửa ngõ giao thương trọng điểm này.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục