30 năm qua cũng là mốc son đánh dấu chặng đường đồng hành và phát triển cùng đất nước của Công ty cổ phần Gemadept (GMD).
Trong những ngày gần đây, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội thông qua, cửa ngõ giao thương hàng hóa của Việt Nam với thế giới càng được mở rộng hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, GMD đang khẩn trương hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đưa cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam (Cảng Gemalink) đi vào vận hành chạy thử vào cuối năm 2020 và bắt đầu khai thác từ đầu năm 2021, trực tiếp kết nối hàng hóa của đất nước đến với thị trường thế giới.
Cái Mép - Cửa ngõ giao thương chiến lược phía Nam
Nhìn vào hệ thống thương cảng của một quốc gia có thể cảm nhận được hơi thở và nhịp điệu phát triển kinh tế của quốc gia đó. Nhìn ra thế giới, có các thương cảng sầm uất tại Hamburg (Ðức), Antwerp (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan)…
Nhìn gần hơn về châu Á, có các thành phố cảng biển sôi động tại Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông, Port Klang (Malaysia)…
Từ năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt quy hoạch cảng biển Ðông Nam Bộ, nhóm 5 (bao gồm TP.HCM, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) là khu vực cảng biển sôi động nhất cả nước, chiếm 70% tổng sản lượng container ra vào các cảng Việt Nam.
Trong đó, khu vực Cái Mép hội tụ các điều kiện thuận lợi và là một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận các thế hệ tàu siêu trọng đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ, đồng thời đáp ứng được hầu hết các yếu tố để hình thành cảng trung chuyển quốc tế với mớn nước sâu, luồng hàng hải phù hợp, nằm liền kề các tuyến hàng hải quốc tế và thuộc cái nôi phát triển kinh tế sôi động của cả nước.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng nhóm 5 đạt trên 11 triệu TEU, trong đó riêng khu vực Cái Mép đạt sản lượng trên 3,7 triệu TEU với tốc độ tăng trưởng gần 30%.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các cảng tại Cái Mép vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng cao, tương đương tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là các cảng tại khu vực TP.HCM và kể cả các cảng hiện hữu phù hợp với nhu cầu của thị trường tại Cái Mép đều đang hoạt động vượt công suất, trong khi sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với làn sóng đầu tư FDI, xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc và đặc biệt sau khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) chính thức có hiệu lực; điều này đặt ra nhu cầu bức bách phát triển cảng nước sâu chiến lược tại vùng cửa ngõ giao thương trọng điểm này.
Gemalink - Ðáp án cho cơn khát cảng nước sâu
Nhằm đưa ra đáp án cho cơn khát cảng nước sâu, đáp ứng nhu cầu và phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, giảm thiểu chi phí trung chuyển qua nước thứ ba, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế, đồng thời hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia về việc kiến tạo khu đô thị cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực tại Việt Nam, GMD và đối tác là CMA-CGM (hãng tàu hàng đầu thế giới) sẽ cho ra mắt siêu cảng nước sâu lớn nhất cả nước - Gemalink - vào đầu năm 2021.
Gemalink là dự án cảng nước sâu có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với tổng diện tích lên đến 72 ha.
Cảng sở hữu những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội, đó chính là vị trí đắc địa, nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu; tổng chiều dài cầu bến là 1.500 m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng; đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP.HCM và Ðồng bằng sông Cửu Long.
Gemalink được trang bị công nghệ tối tân với năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200.000 DWT.
Năng lực xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. Tổng vốn đầu tư của Gemalink cho giai đoạn 1 ước tính là 330 triệu USD.
Sự cam kết nguồn hàng từ hãng tàu đối tác là CMA-CGM, các thành viên trong liên minh hàng hải và các hãng tàu hàng đầu khác đã đồng hành cùng GMD trong suốt những năm qua, cũng như khả năng thu hút nguồn hàng từ các cảng trung chuyển trong khu vực là cơ sở vững chắc cho Gemalink đạt công suất khai thác ngay trong những năm đầu.
Sự ra đời của Cảng nước sâu Gemalink, cảng lớn nhất Việt Nam sẽ góp phần tạo ra “chợ lớn”, làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung, bởi lẽ cảng nước sâu chính là hạt nhân cho sự phát triển các trung tâm logistics, mạng lưới ICD vệ tinh, kho bãi liền kề, cụm công nghiệp và các dịch vụ chuỗi…
Như vậy, Cảng nước sâu Gemalink không chỉ đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới của GMD trong vị thế nhà khai thác cảng và logistics hàng đầu Việt Nam, mà còn tạo nên một mốc son trong tiến trình phát triển của ngành cảng biển với những nỗ lực cao nhất hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sánh vai cùng các quốc gia cảng biển lớn trong khu vực châu Á.