VIMP có tổng vốn 50 triệu USD, thực hiện trong 5 năm từ 2013-2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn vay, Vụ Quản lý các Khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý tổng thể dự án.
Dự án nhằm tăng cường sự tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường về quy định xả thải tại 4 trong số các tỉnh ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng của Việt Nam là Hà Nam, Nam Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có 3 hợp phần. Hợp phần 1 nhằm tăng cường thể chế và thực thi với số vốn 22 triệu USD, hợp phần 2 cho vay thí điểm đối với các Nhà máy xử lý nước thải tập trung với số vốn 21 triệu USD, hợp phần 3 là xây dựng năng lực cho cán bộ quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp và quản lý dự án với số vốn 6,86 triệu USD.
Tính đến 30/10/2015, dự án đã giải ngân được gần 7 triệu USD, đạt 14% tổng giá trị vốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là điều kiện cho vay lại đối với các dự án hợp phần 2 là "3 năm liền kề không lỗ", do đó 4 dự án tiềm năng có nhu cầu vay 98 tỷ đồng đã không được vay.
Ban chỉ đạo đã đề xuất phương án mở rộng địa bàn dự án thêm 7 tỉnh bên cạnh 4 tỉnh hiện hành và bổ sung tài chính cho dự án.
Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đề cập đến việc xem xét mở rộng địa bàn Dự án trên các đánh giá tích cực về tác động của Dự án cũng như khảo sát nhu cầu vay vốn của Hợp phần 2.
Theo khảo sát, nhu cầu vay vốn của 4 tỉnh hiện hành và 7 tỉnh mới thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Nhuệ-Đáy lên đến 600 tỷ đồng, khoảng 27 triệu USD.
Theo Ban chỉ đạo Dự án VIMP, nếu mở rộng thêm 7 tỉnh, kéo dài thời gian đến 2021, không những có thể giải ngân thành công, có hiệu quả gói vay 50 triệu USD mà còn có thể vay thêm và giải ngân 20 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Đồng Nai, Nhuệ-Đáy.