Cẩn trọng với sóng thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu mà doanh nghiệp đại diện có câu chuyện Nhà nước sắp thoái vốn đang có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi "đu theo" nhóm cổ phiếu này.
Cẩn trọng với sóng thoái vốn

Ðầu tháng 8, một số cổ phiếu thuộc nhóm thoái vốn nhà nước của SCIC bất ngờ bật tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu AFX của Công ty Nông sản Thực phẩm An Giang có chuỗi tăng giá ấn tượng từ 6.000 đồng/cổ phiếu lên 11.900 đồng/cổ phiếu cùng thông tin SCIC thoái vốn. Ðến phiên ngày 27/8, cổ phiếu này chốt ở vùng giá 10.200 đồng/cổ phiếu, điều chỉnh nhẹ so với mức trước đó.

Theo thông tin từ SCIC, SCIC dự kiến đấu giá 17,85 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ của AFX với giá khởi điểm lên đến 18.900 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần so với thị giá tại thời điểm ra thông báo (ngày 10/8/2020).

Ở một diễn biến khác, cổ phiếu của VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) bật tăng từ vùng 16.200 đồng/cổ phiếu lên hơn 24.900 đồng/cổ phiếu, dù chưa có thông tin thoái vốn chính thức. Mức tăng này tương đương 58% trong vòng một tháng.

Theo thông tin được SCIC chia sẻ trước đó, cổ phiếu VOC nằm trong danh sách các doanh nghiệp triển khai thoái vốn trong quý III năm nay. Tập đoàn Kido, công ty mẹ sở hữu 51% cổ phần tại VOC, có ý định mua lại với mức giá hợp lý để thực hiện kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên.

Thuộc nhóm SCIC thoái vốn trong năm nay còn có cổ phiếu VEC, VNP, AFX, SEA… Diễn biến chung của nhiều mã là bật tăng, như một cách nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào diễn tiến thoái vốn.

Năm 2020, SCIC dự kiến thoái vốn tại 85 doanh nghiệp, trong đó có 28 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Sức nóng từ chuyện thoái vốn lấn át cả kết quả kinh doanh ảm đạm của nhiều doanh nghiệp.

Cổ phiếu PTL của Công ty cổ phần Ðầu tư Hạ tầng và Ðô thị Dầu khí có nhiều phiên tăng liên tiếp, trong đó có 6 phiên tăng trần, tăng 93% từ vùng giá 4.870 đồng/cổ phiếu lên 8.490 đồng/cổ phiếu sau khi PV Oil quyết định thoái 9% sở hữu tại doanh nghiệp này.

Nửa đầu năm nay, PTL ghi nhận khoản lỗ sau thuế 104 triệu đồng do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Tương tự, sau khi VNPT công bố thông tin đăng ký bán 2,45 triệu cổ phiếu TEL của Công ty cổ phần Phát triển Công trình Viễn thông, thị giá cổ phiếu TEL bật tăng 74% trong 9 phiên gần đây, từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 11.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này không có thanh khoản trong một thời gian dài.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, thông tin thoái vốn rất đa dạng, không phải cứ thoái vốn đều đã tốt ngay, điển hình như vụ thoái vốn FPT trước đây khi giá không hợp lý thì vẫn ế suốt và không có nhà đầu tư đăng ký.

“Nếu chỉ dựa vào câu chuyện thoái vốn, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi ra quyết định bởi mấu chốt cần phải xem xét các yếu tố nội tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có nền tảng tốt thì việc tăng giá cổ phiếu không quá ngạc nhiên, nhưng cũng cần hiểu, đó là tăng theo kỳ vọng trung và dài hạn. Việc cổ phiếu tăng nóng chỉ vì một thông tin sẽ luôn bao hàm rủi ro”, ông Huy cho biết.

Mỗi khi Nhà nước thoái vốn, tức là mở ra một cơ hội cho dòng tiền đầu tư từ công chúng chảy vào doanh nghiệp, nhưng thị trường đã chứng kiến hàng trăm cuộc bán vốn ế ẩm và thực tế cũng đã cho thấy, chỉ những doanh nghiệp có quỹ đất lớn hoặc thuộc các ngành nghề có lợi thế đặc thù mới nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư chuyên nghiệp.


Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục