Cẩn trọng với quyết định mua, bán ngoại tệ

(ĐTCK) “NHNN đã cam kết mạnh mẽ về giữ ổn định tỷ giá và cung cấp thanh khoản cho thị trường, do đó các DN và người dân nên chọn thời điểm thị trường bình ổn cân nhắc các quyết định mua, bán của mình để tránh thiệt hại không đáng có”. Đó là khuyến nghị của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam xung quanh câu chuyện “nóng” tỷ giá hiện nay.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Thưa ông, không chỉ Việt Nam mà cả thị trường tài chính toàn cầu đang chờ động thái tăng lãi suất của FED trong tháng 9 này, khi đó các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục phá giá. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Với những biến động trên thị trường thế giới trong những ngày vừa qua, thì nhiều ý kiến cho rằng, có khả năng FED sẽ chưa tăng lãi suất trong tháng 9.

Kinh tế gia trưởng của HSBC phụ trách thị trường Mỹ dự báo, FED có thể tiến hành động thái này vào tháng 12. FED sẽ phải cân nhắc tác động của việc tăng lãi suất, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, mà còn tác động đến nền kinh tế thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN vừa linh hoạt, vừa đủ độ rộng để đối phó. Hơn nữa, NHNN còn có lợi thế dự trữ ngoại hối không hề nhỏ với khoảng 37 tỷ USD. Ông nghĩ sao về vấn đề này, khi chúng ta rơi vào thời điểm kép: cuối năm vào mùa vụ DN cần ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa và sức ép tăng lãi suất của FED?

NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tham chiếu và biên độ giao dịch nhằm tạo dư địa cho những biến động trên thị trường thế giới và khả năng tăng lãi suất của FED. Bên cạnh đó, với nguồn dự trữ ngoại tệ khoảng 37 tỷ USD, NHNN có khả năng và công cụ can thiệp để ổn định thị trường khi cần thiết.

Ngoài ra, cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ duy trì dương, vì nguồn ngoại tệ của Việt Nam còn được bổ sung bởi kiều hối, FDI và ODA.

Nhiều DN nói rằng, tình hình biến động như  thế này chắc họ sẽ tranh thủ mua ngoại tệ trả nợ trước hạn khi vay bằng USD, hay trước đây vay USD bán ra gửi ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cũng tranh thủ mua lại. Còn các ngân hàng cũng kỳ vọng tỷ giá không thể dừng lại nên tranh thủ mua. Theo ông, điều này có xảy ra và nếu có cần những giải pháp gì khi thị trường biến động khi cầu bị đẩy lên?

Mặc dù thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng lên kinh tế thế giới ít hơn các nền kinh tế có độ mở lớn, có nguồn vốn nóng từ nhà đầu tư gián tiếp lớn và tự do hóa về tài khoản vốn và vãng lai.

Thị trường Việt Nam biến động phần nhiều do tâm lý thị trường. Trong khi đó, NHNN đã cam kết mạnh mẽ về giữ ổn định tỷ giá và cung cấp thanh khoản cho thị trường, do đó các DN và người dân nên chọn thời điểm thị trường bình ổn cân nhắc các quyết định mua, bán của mình để tránh thiệt hại không đáng có.

Theo nguyên tắc, NHNN điều chỉnh tỷ giá, DN xuất khẩu sẽ hưởng lợi đầu tiên, còn DN nhập khẩu sẽ khó hơn, nên hạn chế được nhập siêu. Ông nghĩ sao khi xuất khẩu chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc, còn hạn chế nhập khẩu gây khó cho cho DN nhập nguyên phụ liệu sản xuất và ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng?

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tới các DN nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. Việt Nam với vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới sẽ còn tiếp tục nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Về xuất khẩu, chúng ta sẽ có lợi thế tương đối về giá, nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu.

Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam.

Ông đã từng khuyên, thời điểm này, DN nên chủ động quản trị rủi ro. Vậy ông có lời khuyên cụ thể hơn?

Trước những biến động trên thị trường thế giới và thị trường trong nước, các DN giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá, thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN.

DN có thể cân nhắc thời điểm và nhu cầu mua, bán ngoại tệ của mình để có thể sử dụng những sản phẩm phòng ngừa rủi ro thích hợp như hoán đổi tỷ giá hoặc giao dịch kỳ hạn. Việc phòng chống rủi ro nên đi trước khi thị trường biến động.

Theo ông, NHNN nên điều hành tỷ giá cứng nhắc như hiện nay hay thả nổi, bởi tỷ giá hối đoái là biến số phụ thuộc vào biến động và rủi ro kinh tế thế giới?

Với lần điều chỉnh tỷ giá gần đây nhất, kết hợp với việc nới rộng biên độ giao dịch USD/VND, NHNN cho thấy đang sẵn sàng quản lý tỷ giá một cách linh hoạt để cung cầu thị trường có thể gặp nhau.

Lần điều chỉnh này đã được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) và được đánh giá là giúp tỷ giá linh hoạt hơn.

Việc kết hợp mở rộng biên độ giao dịch, theo tôi, giúp điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng thời tạo ra khoảng đệm để hỗ trợ Việt Nam đối mặt với tác động từ bên ngoài.

Mặt khác, chúng ta cần nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới, do đó bất kỳ biến động lớn trên thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nên Việt Nam vẫn cần uyển chuyển đối phó với tình hình kinh tế thế giới đang đi vào chu kỳ tăng trưởng chậm, thiểu phát và giảm vay nợ.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục