Cẩn trọng với “điểm cộng” thủ tục vay tiêu dùng

(ĐTCK) Để thu hút khách hàng, các quy trình, thủ tục cho vay của công ty tài chính tiêu dùng thường rất đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng hòng chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.
Quy trình, thủ tục cho vay tiêu dùng thường rất đơn giản, thuận tiện

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Trang (cựu nhân viên Công ty Tài chính Home Credit) lập khống 43 hợp đồng tín dụng để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Vụ việc bị phát hiện khi Home Credit có đơn tố cáo nhân viên là Nguyễn Hồng Trang (30 tuổi, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập khống các hợp đồng để rút tiền.

Quá trình điều tra đã xác định, trong thời gian làm việc tại Home Credit, lợi dụng tính chất công việc, Nguyễn Hồng Trang cùng một nhân viên khác là Phạm Minh Hoàng (27 tuổi, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm giả chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe để vay nợ và chiếm đoạt của Home Credit hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Home Credit ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có CTCP Thế giới số Trần Anh (Công ty Trần Anh) và CTCP Công nghệ số Bách Khoa - BKC (Công ty BKC).

Nguyễn Hồng Trang là nhân viên kinh doanh của Home Credit, có nhiệm vụ trực tại cửa hàng của các đối tác như Công ty Trần Anh, Công ty BKC... tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng mua hàng trả góp. Trang có nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ của khách hàng để nhập vào hệ thống của Home Credit, thông qua tài khoản nhân viên được Công ty cấp.

Lợi dụng điều này, Trang lấy các giấy chứng minh nhân dân của khách hàng cũ và những khách hàng không được duyệt copy lại tên, địa chỉ trên giấy tờ để làm thủ tục vay vốn mua hàng trả góp. Ngoài ra, Trang còn giả mạo cả việc trả lời thẩm vấn qua điện thoại của Công ty.

Để tránh sự phát hiện của Home Credit, Trang đã tự đóng một phần tiền gốc và tiền lãi cho Công ty. Tổng cộng, Nguyễn Hồng Trang đã lập khống 43 hợp đồng tín dụng, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 310 triệu đồng để mua hàng và bán ngay lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Một nhân viên khác của Home Credit là Phạm Minh Hoàng biết rõ việc làm của Nguyễn Hồng Trang nhưng vẫn giúp Trang làm các bản ảnh chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe giả. Sau khi Trang lấy được sản phẩm từ cửa hàng thì Hoàng giúp sức cho Trang trong việc tìm người mua hàng hóa để lấy tiền sử dụng.

Trong một vụ việc khác, Bùi Thị Thương (sinh năm 1984, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tự tạo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân giả để chiếm đoạt của 2 công ty tài chính tiêu dùng là FE Credit và Home Credit số tiền hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, FE Credit và Home Credit Việt Nam có dịch vụ cung cấp tín dụng tiêu dùng dưới hình thức cho vay mua trả góp, phát hành thẻ tín dụng và cho vay bằng tiền.

Các công ty này ký hợp đồng hợp tác với CTCP Thương mại Nguyễn Kim, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT, CTCP Đầu tư Thế giới di động để cho khách hàng vay trả góp mua hàng hóa. Khi khách hàng đến mua hàng, nếu không đủ tiền hoặc không muốn thanh toán tiền mua hàng 1 lần, thì có thể ký hợp đồng tín dụng vay tiền mua hàng.

Thấy thủ tục đơn giản, chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, hóa đơn tiền điện và việc kiểm duyệt hồ sơ vay tiền dễ dàng, Bùi Thị Thương đã nghĩ cách sử dụng chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu giả để đưa vào hồ sơ vay tiền.

Từ tháng 9/2015 đến tháng 11/2016, Thương thường xuyên mua chứng minh thư và sổ hộ khẩu giả của đối tượng trên mạng với giá từ 3-4 triệu đồng/bộ. Sau đó, Thương tự tạo các quyển sổ hộ khẩu trùng khớp với thông tin trên chứng minh nhân dân giả.

Lập xong hồ sơ, Thương chụp ảnh gửi email đến các phòng công chứng trên mạng Internet để công chứng. Khi hồ sơ đầy đủ, Thương đến các cửa hàng trên mua hàng trả góp. Nếu cửa hàng yêu cầu hóa đơn điện thì Thương tải mẫu hóa đơn trên mạng, còn hợp đồng lao động thì Thương tự soạn và giả chữ ký giám đốc, đóng dấu giáp lai rồi chuyển thông tin đến các cửa hàng để được duyệt online. Khi hồ sơ được duyệt, Thương cầm theo giấy tờ đến cửa hàng đối chiếu thông tin rồi nhận hàng.

Với thủ đoạn trên, Thương trực tiếp vay tiền các công ty tài chính, hoặc vay tiền thông qua hình thức mua hàng trả góp. Sau khi lấy được hàng, Thương đem bán lấy tiền ăn tiêu, không trả góp cho công ty tài chính. Tổng số tiền Thương chiếm đoạt của FE Credit theo 43 hợp đồng là hơn 500 triệu đồng; Home Credit theo 3 hợp đồng là 29,5 triệu đồng.

Thực tế trên cho thấy, thủ tục đơn giản, thuận tiện là "điểm cộng" giúp các công ty tài chính thu hút được khách hàng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính "điểm cộng" này để thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp. Do đó, các công ty tài chính cần có giải pháp quản lý tốt quy trình, thủ tục vay vốn để vừa đảm bảo an toàn hoạt động, vừa giữ được sức hút đối với khách hàng.

Bùi trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục