Rủi ro khi kiện tụng qua tòa án
Một ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam đang đối mặt với khoản vay tiêu dùng khó đòi của một khách hàng cá nhân. Để thu hồi được nợ vay, ngân hàng này nộp đơn khởi kiện đến toà án quận. Địa chỉ liên hệ của bị đơn được ghi theo nơi tạm trú trong hợp đồng vay.
Sau đó, toà án thông báo rằng chỉ thụ lý khi ngân hàng cung cấp được xác nhận của cảnh sát khu vực nơi bị đơn sinh sống. Vậy là trước khi đi đòi nợ, ngân hàng giờ đây phải đồng hành cùng cán bộ nhà nước trong quản lý nhân khẩu tạm trú, tạm vắng để xác minh tung tích của khách hàng.
Liên hệ hết các manh mối, ngân hàng vẫn bất lực trong việc tìm kiếm xác nhận của cơ quan công an về việc “thượng đế” của mình đang sinh sống tại địa chỉ liên hệ và bị tòa án quận từ chối. Cuối cùng, ngân hàng phải khởi đưa đơn kiện tới một toà án huyện xa xôi hẻo lánh nơi mà khách hàng có hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng vẫn không thể khởi kiện vì tòa án huyện cũng đòi phải có xác nhận tình trạng đang cư trú sinh sống của người bị kiện.
Kết quả xác minh hành chính cho thấy, khách hàng này đã rời khỏi địa phương từ lâu. Không còn biết khởi kiện ở đâu khác, ngân hàng đành khiếu kiện chính tòa án và phải trải qua một thời gian đấu lý vất vả thì vụ án mới được toà án thụ lý. Dù sao, ngân hàng này còn may mắn hơn nhiều ngân hàng khác rơi vào trong trường hợp tương tự vì cuối cùng toà án cũng nhận đơn khởi kiện.
Nhìn từ những vụ án tín dụng của ngân hàng, có rất nhiều rủi ro phát sinh sau khi tòa án đã thụ lý vụ án. Có vụ án quá trình giải quyết kéo dài nhiều năm chỉ vì sau khi thụ lý, toà không thể triệu tập được bị đơn. Có vụ án, ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ hiểu và vận dụng pháp luật của chính tòa án. Chưa tính đến những vấn đề phức tạp của nghiệp vụ ngân hàng, chỉ riêng những vấn đề pháp lý đơn giản thôi cũng đủ gây khó cho ngân hàng.
Năm 2011, một ngân hàng đã từng bị tòa án tuyên vô hiệu một hợp đồng thế chấp bất động sản của bên thứ ba. Lý do hợp đồng vô hiệu rất “lãng xẹt” rằng, tên gọi của hợp đồng không đúng. Ý tòa phải gọi tên hợp đồng là bảo lãnh vì có tài sản của bên thứ ba đưa vào, gọi là thế chấp không đúng.
Gọi sai tên thì hợp đồng vô hiệu và quả thật tòa đã tuyên hợp đồng vô hiệu. Cách hiểu của tòa dựa trên định nghĩa về thế chấp, bảo lãnh tương tự như trong Bộ luật Dân sự từ năm 1999. Có điều bộ luật này đã bị thay thế và tên gọi thế chấp, bảo lãnh cũng đã được định nghĩa lại hoàn toàn mới bởi Bộ luật Dân sự năm 2005 vào thời điểm xảy ra vụ án.
Có vụ án khác, ngân hàng mất quyền xử lý tài sản, bởi tòa án lục vấn lại quá khứ xa xôi bên bán, bên mua đã từng thỏa thuận một giá mua bán khác ngoài hợp đồng công chứng. Bất chấp việc chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng, tài sản đã sang tên người mua, đã thế chấp vào ngân hàng theo đúng thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, tòa vẫn tuyên hủy hợp đồng mua bán trong quá khứ.
Vậy là ngân hàng bỗng dưng mất tài sản bảo đảm vì một lý do mà ngân hàng không thể thẩm định được khi nhận thế chấp bằng bất động sản.
Đúng hay sai về pháp lý trong một vụ án, thì lời giải cuối cùng là tòa án. Lời giải không đúng, ai trả lời? Vẫn là giới tòa án. Vậy nên rủi ro tín dụng phát sinh từ kiện tụng là điều khó tránh khỏi đối với giới ngân hàng.
Tại sao không thoát khỏi bằng trọng tài?
Trọng tài là một cơ chế vẫn còn xa lạ đối với cộng đồng kinh doanh, nhất là đối với ngân hàng. Số ít các ngân hàng nghĩ đến chuyện lựa chọn trọng tài cho các giao dịch truyền thống của mình.
Thế nhưng, trong thời gian qua, nhiều công ty tài chính đã lựa chọn trọng tài trong các giao dịch của mình. Có một thời kỳ pháp luật trọng tài quy định, bên không đồng ý với phán quyết của trọng tài có quyền khởi kiện ra toà án để xem xét lại từ đầu. Với quy định này, phán quyết của trọng tài không có nhiều giá trị.
Tuy nhiên, pháp luật về trọng tài hiện hành quy định, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và có thể được thi hành ngay như bản án, quyết định của toà án. Ai đó không đồng ý chỉ có quyền đề nghị tòa xem xét khi có vi phạm về thủ tục tố tụng trọng tài.
Tố tụng trọng tài có những lợi thế rõ ràng như nhanh gọn về thời gian thụ lý, giải quyết. Thậm chí phán quyết trọng tài vẫn có thể được tuyên khi một bên không hiện diện suốt tiến trình giải quyết vụ việc. Về chất lượng, có một sự thực là các trọng tài viên hướng tới việc xây dựng và tôn trọng, gìn giữ danh dự của chính bản thân mình. Điều đó tạo nên sự khác biệt và giúp giới ngân hàng loại bỏ các rủi ro pháp lý mất vốn thường thấy trong các vụ án.
Vậy giải pháp đã rõ, quy trình và mẫu biểu của giới ngân hàng cần điều chỉnh hướng theo lối thoát từ sự lựa chọn trọng tài.