Cẩn trọng với “cá mập” xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền thận trọng hơn sau một số phiên thị trường giảm mạnh, đặc biệt phiên 20/8 có thanh khoản đạt kỷ lục 2 tỷ USD, bởi lo ngại các nhà đầu tư lớn xả hàng. Tuy nhiên, cơ hội bắt đáy vẫn hấp dẫn.
Dòng tiền luôn chực chờ giải ngân mỗi khi thị trường điều chỉnh. Ảnh: Dũng Minh. Dòng tiền luôn chực chờ giải ngân mỗi khi thị trường điều chỉnh. Ảnh: Dũng Minh.

Xả hàng và bắt đáy

Hai phiên VN-Index lao dốc liên tiếp ngày 20/8 và 23/8 diễn ra sau khi thị trường ghi nhận hơn 3 tuần hồi phục kể từ mức đáy ngắn hạn, không ít nhóm cổ phiếu quay lại vùng đỉnh, thậm chí lập đỉnh mới, như chứng khoán, phân bón, xây dựng, bất động sản.

Giống như những đợt sụt giảm trước đó, mức giảm điểm mạnh đã hấp dẫn một bộ phận nhà đầu tư thực hiện bắt đáy ngắn hạn và cung - cầu cân bằng trở lại. Tuy nhiên, dòng tiền có dấu hiệu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trong khi thị trường muốn hồi phục hay giữ vững đà tăng thì dòng tiền cần quay lại nhóm cổ phiếu lớn.

Dòng tiền “giằng co”, chỉ số tăng giảm đan xen, rất khó để xác định xu hướng thị trường. Thêm một lần nữa, nhà đầu tư tiếp tục được thử thách tâm lý, sự kiên nhẫn với thị trường.

Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang dành sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, hóa chất, vật liệu xây dựng…, dù không ít mã có giá cao. Bởi lẽ, trong các phiên thị trường điều chỉnh sâu, các nhóm này không bị bán tháo và lực cầu lớn chực chờ ở mức giá sàn.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) nhận xét, thanh khoản có xu hướng giảm sau phiên lập kỷ lục ngày 20/8 chủ yếu do lượng cung được tiết chế, giúp thị trường trở nên cân bằng hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước quay trở lại mua ròng. Mặc dù vậy, sức mua khiêm tốn cho thấy, tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng.

Diễn biến thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Tình trạng siết chặt giãn cách và giãn cách kéo dài ở những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phòng chống dịch Covid-19 báo hiệu kết quả kinh doanh quý III không mấy khả quan.

Điều này đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, góp phần gây ra 2 phiên lao dốc ngày 20/8 và 23/8, đồng thời cản trở đà hồi phục của chỉ số trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, với tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và một số kênh đầu tư khác, dòng tiền nhiều khả năng sẽ duy trì trong thị trường chứng khoán, thậm chí chảy vào thêm, nhất là khi lãi suất ở mặt bằng thấp. Do đó, những cổ phiếu giảm về vùng định giá hấp dẫn sẽ kích hoạt dòng tiền bắt đáy.

Dòng tiền đầu cơ lớn dần

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thị trường đang có các yếu tố ngoại biên tác động như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán toàn cầu điều chỉnh, hầu hết chỉ số chứng khoán lớn ở châu Á lao dốc, nhiều loại hàng hóa giảm giá, USD mạnh lên...

Điều này kích hoạt làn sóng bán tháo ở các thị trường mới nổi và một số thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 trong nước cũng là yếu tố cần lưu tâm, vì có thể ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng vĩ mô nói chung, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Chiến lược giao dịch ngắn hạn đang gia tăng. Dòng tiền đầu cơ dồi dào sẽ “lướt” trên nền tin xấu, nhưng cũng có thể khiến thị trường rủi ro cao, biến động khó lường.

Điểm tích cực đối với thị trường là dòng tiền vẫn dồi dào, nhưng giai đoạn hiện nay thì dòng tiền đầu cơ đang chiếm tỷ trọng lớn.

Khi dòng tiền mang tính đầu cơ ở mức cao thì tính biến động sẽ rất lớn, có thể vào nhanh nhưng cũng có thể rút ra nhanh, khiến thị trường biến động mạnh và khó lường.

Ông Huy nhận định, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng tích cực trong giai đoạn cuối năm như chứng khoán, cảng biển, hóa chất, bất động sản và nhóm cổ phiếu nhỏ.

Trong góc nhìn của ông Nguyễn Văn Bình, một nhà đầu tư tại Hà Nội, với những khó khăn hiện nay thì khó có thể kỳ vọng một bức tranh tổng thể quý III tươi sáng, nếu không muốn nói là rất xấu. Tuy nhiên, trải qua gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam dường như không còn tuân theo một quy luật nào.

“Đôi khi vì dòng tiền quá mạnh, trong đó phải kể đến dòng tiền đầu cơ vì không ít doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi, người dân ở nhà nhiều do giãn cách nên đổ vốn vào kênh đầu tư chứng khoán, giúp giá cổ phiếu một số ngành tăng cao. Vì thế, nắm giữ cổ phiếu tiềm năng và tận dụng cơ hội giao dịch ngắn hạn vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này, đối với những nhóm cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, vật liệu xây dựng, phân bón, hoá chất… thì nhà đầu tư nên cẩn trọng, lựa chọn kỹ càng và có chiến lược quản trị rủi ro, nhằm tránh trở thành người cuối nắm “cục than đỏ”.

Xét yếu tố định giá, hệ số thị giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phần (P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức xấp xỉ 16 lần, cao hơn P/E dự phóng năm 2021 của nhiều thị trường lớn trên thế giới như Trung Quốc (13 lần), Hàn Quốc (hơn 11 lần), Anh (hơn 12 lần), các thị trường mới nổi (gần 13 lần)…

Định giá theo lợi nhuận 4 quý gần nhất của nhiều nhóm ngành cho thấy, hệ số P/E và cả hệ số thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) đều đang ở mức trên trung bình 3 năm gần nhất.

Đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021 của nhiều nhóm ngành được duy trì, nhưng dự kiến sẽ giảm tốc độ trong nửa cuối năm, bởi mức nền so sánh năm 2020 là nửa cuối năm cao hơn nửa đầu năm và tình hình dịch bệnh được dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Do vậy, định giá hiện tại của thị trường không còn ở vùng cao như trong sóng tăng từ tháng 2 đến tháng 6/2021, nhưng thời gian tới có thể sẽ tăng lên, dù mặt bằng giá cổ phiếu giữ nguyên.

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh, giúp định giá cổ phiếu hấp dẫn hơn, ngoại trừ các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ kèm theo sự chuyển biến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Nhìn về dòng tiền, thanh khoản tăng mạnh trở lại trong tháng 8 là một yếu tố tích cực. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn trong tháng 8 đạt xấp xỉ 30.200 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với tháng 7 và tương đương với tháng 6 (thời điểm trước khi VN-Index có đợt điều chỉnh). Điều này cho thấy, dòng tiền luôn chực chờ giải ngân khi cơ hội xuất hiện, đặc biệt là khi định giá thị trường hiện tại đã về mức hấp dẫn hơn nhiều so với cuối tháng 6.

Theo Bloomberg, P/E của VN-Index hiện ở mức 15,6 lần, thấp hơn nhiều mức 19,2 lần thời điểm cuối tháng 6 do các chỉ số chứng khoán điều chỉnh trong tháng 7 và kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tích cực của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Chúng tôi cho rằng, diễn biến giảm điểm trong những phiên gần đây của thị trường chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn do tác động tiêu cực từ tình hình dịch Covid-19 tại miền Nam. Thời gian tới, dòng tiền sẽ không rời bỏ thị trường mà luôn chực chờ giải ngân khi cơ hội xuất hiện, tương tự điều xảy ra trong giai đoạn đầu tháng 8 vừa qua.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ