Thị trường nội thất trong nước được đánh giá là thị trường “tỷ đô” với mức phát triển rất nhanh. Nhu cầu đối với các mặt hàng này của người dân đang có những thay đổi ra sao, thưa bà?
Cách đây 5 năm trở về trước, nếu như người dân đa phần có xu hướng chỉ sắm sửa các vật dụng nội thất tối thiểu theo nhu cầu sử dụng của gia đình thì theo thời gian, với thu nhập được cải thiện cùng điều kiện sống tốt hơn, người tiêu dùng sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho các sản phẩm ngày càng cao cấp, đắt tiền nhằm tô điểm cho tổ ấm và khẳng định sự sành điệu của mình.
Điều này đã giúp thị trường nội thất hiện trở thành một trong những thị trường sôi động và hấp dẫn bậc nhất trong các nhóm hàng tiêu dùng. Báo cáo về thị trường nội thất Việt Nam cho thấy, bên cạnh là nước dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu đồ nội thất, sức tiêu thụ đồ nội thất trong nước cũng rất cao. Chỉ tính riêng năm 2018, số liệu thống kê của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho thấy, tổng mức tiêu thụ đồ nội thất trong nước đạt khoảng 4 tỷ USD.
Tất nhiên, con số này chưa thể thống kê đầy đủ thực tế thị trường nội thất hiện nay, nhưng nó khẳng định rằng thị trường này đang có tiềm năng rất lớn và tiếp tục tăng trưởng bởi nhu cầu sắm sửa nhà cửa, theo đó là đầu tư cho không gian sống của người dân vẫn đang rất lớn.
Thị trường nội thất hiện nay rất đa dạng với nhiều chủng loại, mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, đó cũng là dư địa cho sự lộn xộn và bát nháo khi tình trạng hàng giả, hàng nhái trôi nổi rất nhiều. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ riêng đối với lĩnh vực đồ nội thất. Tuy nhiên, hàng nội thất giả, nhái, kém chất lượng lại phức tạp và có tính nhạy cảm khá cao khi việc phân biệt đâu là sản phẩm chính hãng hay không chính hãng thực sự không dễ.
Sản xuất và phân phối hàng nội thất là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhưng lại cũng là thị trường khiến người tiêu dùng dễ rơi vào mê hồn trận nhất khi có quá nhiều nhà sản xuất, nhà cung ứng trên thị trường, khiến người trong nghề còn khó nhận biết chứ chưa nói đến người tiêu dùng.
Đơn cử, với một bộ sofa hiện nay có rất nhiều chủng loại, sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ khác nhau, từ hàng nội địa, đến hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, hay cao cấp hơn là từ Ý, Đức… với mức giá khá đa dạng. Đa số khách hàng mua sofa có điều kiện kinh tế khá giả và thường có tâm lý sính ngoại, nên sẵn sàng bỏ ra hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua một bộ sofa.
Tuy nhiên, việc phân biệt các loại sản phẩm này lại không dễ bởi rất ít thông tin được nhà phân phối cung cấp cho khách hàng. Trong khi đó, các "thượng đế" này lại thường chỉ phân biệt qua hình dáng, mẫu mã rồi chọn luôn mà chưa tìm hiểu kỹ càng, hoặc muốn tìm hiểu nhưng lại không được nhân viên tư vấn chào bán thông tin kỹ càng dẫn đến mua hớ, mua đắt, thậm chí mua phải hàng kém chất lượng.
Chỉ đến khi sử dụng một thời gian ngắn, các sản phẩm này bắt đầu bộc lộ các khiếm khuyết về đường kim, mũi chỉ, da ố hay bị nứt vết chân chim thì các khách hàng mới biết mình đã mua phải hàng kém chất lượng. Lúc này, việc phản hồi đến các nhà cung cấp thường sẽ gặp khó khăn trong việc bảo hành hoặc thay thế sản phẩm mới, bởi các sản phẩm này thực tế do đơn vị nhái cung cấp nên họ thường sẽ không nhận trách nhiệm, vì bản thân họ đã bán cho nhà cung cấp với giá quá rẻ rồi. Việc bảo hành sẽ do nhà phân phối tự thực hiện. Tuy vậy, hầu hết các nhà phân phối đều không chuyên hoặc là sản phẩm làm kém chất lượng nên có sửa chữa cũng không ổn.
Vậy với mặt hàng chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng thì việc bảo hành sẽ như thế nào?
Với các nhà sản xuất từ châu Âu, phải thừa nhận thực tế rằng, họ rất ít khi bảo hành bởi lẽ sản phẩm của họ ngay từ đầu đã quá tốt nên rất ít trường hợp xảy ra lỗi về chất liệu da, chất liệu vải hay đường kim mũi chỉ. Có chăng, chỉ là chăm sóc lại định kỳ để sản phẩm về tình trạng "như mới" cũng như vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Điều này xuất phát từ việc, hàng năm với từng mẫu mã, số lượng sản phẩm cung cấp ra toàn thế giới của các nhà sản xuất có thương hiệu lớn thường hữu hạn nên họ rất chăm chú, tỉ mỉ với từng sản phẩm đưa ra thị trường. Bởi lẽ, họ xác định rằng, bán sản phẩm với chất lượng cao, số lượng ít họ vừa duy trì được uy tín, thương hiệu, vừa đảm bảo được quyền lợi và giá trị cho khách hàng là những người thụ hưởng trực tiếp sản phẩm.
Trong trường hợp gặp lỗi lớn thường họ sẽ thu hồi sản phẩm ngay và sẵn sàng hoàn tiền cho khách hàng chứ không chắp vá, sửa lỗi, bởi lẽ uy tín hàng trăm năm tuổi của họ cao hơn rất nhiều so với giá trị 1 - 2 tỷ tiền Việt Nam thu được từ sản phẩm đó.
Điều này lý giải tại sao nhiều nhà sản xuất nội thất ngoại có uy tín hiện nay rất kén chọn các đơn vị phân phối độc quyền, tránh việc nhà phân phối đó nhập về một số sản phẩm nhưng lại bắt chước rồi thuê các đơn vị gia công trong nước nhái lại, bán với giá rẻ hơn nhiều. Cùng một nhà sản xuất có thể có nhiều nhà phân phối độc quyền, nhưng mỗi nhà phân phối chỉ được lựa chọn phân phối một số sản phẩm theo yêu cầu.
Chúng tôi đã từng rơi vào trường hợp một đơn vị trên thị trường bất ngờ rao bán với giá rất rẻ một sản phẩm giống hệt mẫu mã một sản phẩm mà chúng tôi nhập khẩu. Ngay lập tức, nhà sản xuất gọi điện sang để làm rõ liệu có phải PT Casa làm nhái sản phẩm đó và bán cho người tiêu dùng hay không, bởi màu sắc của sản phẩm đó không đúng với concept mà nhà sản xuất đó hiện nay cung cấp.
Sau nhiều lần giải thích, thậm chí phải có giấy tờ chứng minh đã phản hồi và yêu cầu nhà cung cấp kia đính chính lại sản phẩm đó không phải từ nhà sản xuất đang ký hợp đồng độc quyền phân phối với chúng tôi, họ mới tiếp tục cho phép đặt hàng sản phẩm mới.
Nói vậy để thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các sản phẩm nội thất cao cấp chính hãng với sản phẩm nội thất cao cấp nhái trôi nổi trên thị trường.
Vậy theo bà, làm thế nào để nhận biết đồ nội thất cao cấp có chính hãng hay không?
Trước tiên, tôi phải nói rằng, đồ xịn thì chắc chắn phải "đắt xắt ra miếng", và nếu đã xác định mua đồ nội thất cao cấp thì đừng mong "ngon, bổ, rẻ", mà chỉ có là phù hợp hay không phù hợp với mình. Anh có thể thấy rất ít nhà phân phối đồ nội thất cao cấp hiện nay nói vống lên về đồ nội thất mà mình phân phối.
Một sản phẩm bán ra vài trăm triệu, thậm chí đến cả tiền tỷ thì không nói chơi, bởi bán kém chất lượng là mất rất nhiều tiền xây dựng thương hiệu cũng như sẽ bị nhà sản xuất cắt hợp đồng phân phối độc quyền. Do đó, để có thể kiểm tra được một món đồ nội thất cao cấp đó có đúng là hàng chính hãng chất lượng cao thì dễ nhất là chấp nhận mất thời gian kiểm tra trực tiếp từ nhà sản xuất ra các sản phẩm đó.
Khi kiểm tra như vậy, sẽ biết ngay nhà phân phối đó có đúng là nhà phân phối được ủy quyền phân phối sản phẩm của nhà sản xuất đó tại Việt Nam hay không. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, có những trường hợp đến showroom xem sản phẩm rồi, thấy rõ cả C/O, C/Q và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhưng đến khi lắp đặt tại nhà thì lại là hàng nhái.
Đơn giản, các showroom đó mua từ nhà phân phối độc quyền rồi bắt chước nhái lại và chỉ đưa C/O, C/Q và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, còn khi lắp đặt thì lại đưa ra sản phẩm khác y hệt nhưng không có giấy tờ. Khách hàng thì đôi khi lại không chú ý đến điều đó và chỉ tin tưởng lúc đến showroom.
Tiếp sau đó, mới nhờ thêm các chuyên gia trong lĩnh vực nội thất cùng xem xét và kiểm định chất lượng rồi mới ra quyết định mua hay không mua, đồng thời kiểm tra các giấy tờ đi kèm với các sản phẩm đó. Với những sản phẩm đắt tiền, phải rất thận trọng và nếu đã quyết tâm mua thì nên kiên nhẫn từng bước kiểm tra thì mới đảm bảo mua được hàng chuẩn, chất lượng cao.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com