Cẩn trọng khi “chuyển tiền ra nước ngoài”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển tiền mua nhà nước ngoài là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau thời gian qua, ở góc độ pháp luật, theo Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh, Công ty Luật Basico thì hiện pháp luật chưa cho phép với mục đích chuyển ngoại tệ này, những người có nhu cầu cần thận trọng với các dịch vụ chuyển tiền.
Chuyển tiền mua nhà ở nước ngoài chưa được pháp luật thừa nhận Chuyển tiền mua nhà ở nước ngoài chưa được pháp luật thừa nhận

Người Việt mua nhà ở nước ngoài đã trở thành chuyện “bình thường” với một nhóm người có tiền, vấn đề ở chỗ tất cả đều phải “lách luật” để chuyển tiền ra nước ngoài vì quy định về quản lý ngoại hối. Ở góc độ luật pháp thì việc lách như vậy mang đến những rủi ro gì, thưa luật sư?

Pháp luật Việt Nam vẫn cho chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nhưng phải chứng minh mục đích là chính đáng như đầu tư ra nước ngoài, du học, du lịch, khám chữa bệnh… Nhưng trong điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam, nhiều hoạt động không được coi là “chính đáng” và phải giới hạn nhằm cân đối nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Tôi lấy ví dụ, ngay trong hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 - Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (hướng dẫn thực hiện hình thức đầu tư quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 52 - Luật Đầu tư 2014): Cá nhân không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và chỉ được tham gia dưới hình thức chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh

Và trong những hạn chế đó, việc chuyển ngoại tệ mua nhà ở nước ngoài là chưa được phép. Tuy nhiên, vẫn có câu chuyện “lách luật” để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua những kênh chuyển tiền không chính thống như ngân hàng hay các các công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ chuyển tiền mà thông qua các tổ chức cá nhân môi giới hay những dịch vụ không chính thống.

Việc sử dụng các dịch vụ chuyển tiền không chính thống thường chứa đựng nhiều rủi ro, không phải ai cũng chuyển tiền suôn sẻ, không ít người đã mất trắng vì những dịch vụ chuyển tiền kiểu này. Chưa kể, trong một số trường hợp, người chuyển tiền có thể bị nước nơi tiền được chuyển đến tịch thu tiền, ngừng cấp visa nếu họ cho rằng đó là tiền bất hợp pháp, có dính líu đến tổ chức tội phạm.

Như bà đề cập thì quy định chặt chẽ về quản lý ngoại hối xuất phát từ thời điểm Việt Nam cần phải tiết kiệm ngoại tệ phục vụ các nhu cầu phát triển, nhưng tình hình bây giờ đã khác khi kinh tế xuất siêu và dự trữ ngoại hối tăng. Đã có một vài kiến nghị là nên nới dần các quy định về chuyển tiền ra nước ngoài để phục vụ các nhu cầu có thật trong cuộc sống như mua nhà, định cư, mua tài sản nước ngoài… Ở góc độ luật pháp thì việc giải quyết câu chuyện này nên như thế nào?

Mặc dù pháp luật là do Nhà nước ban hành nhằm cụ thể hóa chính sách, quan điểm quản lý của cơ quan nhà nước, nhưng không thể vì thế mà đưa ra những quy định mang tính áp đặt, chủ quan, không tính đến nhu cầu khách quan của đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, một quy định pháp luật hạn chế thực hiện một công việc, hành vi nào đó cho dù xuất phát từ mục đích tốt đẹp, nhưng nếu quy định “thiếu rõ ràng”, quá “cứng nhắc”, với nhiều thủ tục rườm rà sẽ khó có thể tồn tại và được thực thi nghiêm túc. Điều này tất yếu sẽ nảy sinh nhu cầu “lách luật”, vi phạm pháp luật nhằm đạt mục đích và gây thêm khó khăn trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.

Vì vậy, nếu cơ quan nhà nước nhìn nhận nhu cầu sử dụng ngoại tệ hiện nay tại Việt Nam đã thay đổi thì pháp luật cần phải điều chỉnh kịp thời để theo sát nhu cầu đó. Kèm theo là những quy định về điều kiện áp dụng hợp lý giúp cơ quan nhà nước kiểm soát, ngăn chặn rủi ro.

Thực tế hiện nay cho thấy có những vi phạm liên quan đến việc chuyển tiền ra nước ngoài, luật sư có thể cho biết quy định về xử phạt như thế nào?

Có nhiều chế tài xử phạt vi phạt trong các lĩnh vực liên quan tới đầu tư ra nước ngoài; rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài; chuyển mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài… Mức phạt nhìn chung khá cao, có thể lên tới 100 triệu đồng (trong hoạt động chuyển mang ngoại tệ ra nước ngoài không đúng quy định - PV), hoặc bị tịch thu toàn bộ số tiền vi phạm.

Do các quy định nằm trong nhiều điều luật khác nhau nên người có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, tránh đặt niềm tin vào các tổ chức, cá nhân quảng cáo về “dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài”. Ghi nhận trên thực tế cho thấy các dịch vụ này đa phần được thực hiện dưới các hình thức không được pháp luật thừa nhận.

Trước khi có những quy định mới, đâu là giải pháp để kiểm soát tốt hơn dòng tiền chảy ra nước ngoài bất hợp pháp?

Như đã đề cập thì các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài (giao dịch vãng lai, đầu tư, vay nợ…) đều có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và được kiểm soát chặt chẽ. Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có các giao dịch chuyển tiền cho các mục đích được phép mới thuộc đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài.

Hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp là việc chuyển tiền ra nước ngoài không tuân thủ các quy định của pháp luật và do các đối tượng cố tình vi phạm. Để kiểm soát các hoạt động này, cần có sự tham gia của các đơn vị chức năng, ví dụ như Bộ Công an.

Tương tự, theo chức năng, nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các cơ quan có liên quan nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm.

Quy định về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Luật Đầu tư có quy định mở rộng, cho phép nhà đầu tư thực hiện nhiều hoạt động đầu tư đa dạng ra nước ngoài như: Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước ngoài; thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC); mua lại vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài; mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá… và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Tuy nhiên, Điều 59 - Luật Đầu tư 2014 quy định về thủ tục lại rất chặt chẽ. Để được thực hiện đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư (bao gồm tổ chức và cá nhân) phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, đối với trường hợp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, theo quy định tại Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải cung cấp tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo pháp luật đầu tư, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận; Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép, hoặc nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư; có tài khoản vốn và đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục