Một trong những tranh chấp phổ biến hợp đồng chủ yếu liên quan đến các vấn đề về thanh toán, tiến độ, tổ chức thực hiện, an toàn và chất lượng xây dựng không đạt. Khi nổ ra tranh chấp, các bên không chỉ mất thời gian, hao tiền tốn của, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), doanh nghiệp này vẫn đang “treo” một khoản nợ và chưa trích lập dự phòng rủi ro. Lý do là vì vụ kiện đã kéo dài gần 5 năm nay.
Năm 2014, tổ hợp nhà thầu Huadong - CR18G gồm Tổng công ty Công trình Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 (Trung Quốc) đã khởi kiện VSH bồi thường vi phạm hợp đồng dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Những tranh chấp xuất phát từ hợp đồng xây dựng hạng mục tuyến năng lượng dự án giữa VSH và Liên danh nhà thầu Trung Quốc ký năm 2010.
Liên danh đã thực hiện một phần dự án thiết kế, mua sắm và thi công Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, hai bên phát sinh tranh chấp và tuyên bố chấm dứt hợp đồng. Nhà thầu cho rằng, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ, không thanh toán các khoản tiền đến hạn. Ngược lại, chủ đầu tư tố nhà thầu vi phạm nghiêm trọng do chậm trễ thi công. Vụ kiện còn gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư khi Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa số tiền hơn 200 tỷ đồng của VSH.
Trong một vụ việc khác, một doanh nghiệp xây dựng ở TP. HCM cũng vất vả đâm đơn khởi kiện đối tác ở Singapore vì khoản nợ hợp đồng thầu phụ hơn 1,2 tỷ đồng. Trong hợp đồng thầu phụ có thỏa thuận điều khoản trọng tài, nhưng “cài thêm” điều kiện là “tất cả những tranh chấp có thể nhờ trọng tài phân xử, nhưng sự thỏa thuận giữa công ty và nhà thầu phải được ưu tiên trước.
Tuy nhiên, công ty có quyền nhờ đến trọng tài phân xử cho tất cả tranh chấp trong hợp đồng này bất cứ khi nào công ty cho rằng thích hợp và sự thỏa thuận các bên không đi đến thống nhất”. Vụ việc được giải quyết tại tòa án và tòa án cũng nhận định thỏa thuận trọng tài không cân xứng.
Trong đó, nhà thầu phụ nếu muốn khởi kiện nhà thầu chính ra trọng tài phải được sự đồng ý, hoặc có sự thỏa thuận trước với nhà thầu chính, trong khi nhà thầu chính có quyền khởi kiện ra trọng tài bất cứ khi nào.
Ông Lưu Tiến Dũng, Luật sư thành viên Công ty TNHH Luật YKVN cho biết, thực tiễn tại Việt Nam, khác với phần lớn các điều khoản về giải quyết tranh chấp ở các lĩnh vực khác thường bị bỏ quên, thì các điều khoản về giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong mẫu hợp đồng được các bên lưu tâm ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, các điều khoản này lại được các bên tùy chỉnh, sửa chữa rất nhiều. Điều này khiến cho nhiều trường hợp việc giải quyết, xử lý các khiếu nại, tranh chấp khi có xung đột phát sinh trên thực tế trở nên khó khăn, thậm chí một số trường hợp rơi vào tình trạng không thể thực hiện.
Để tránh tranh chấp, ông Nguyễn Văn Hiệp, trọng tài viên VIAC cho rằng, nội dung hợp đồng phải chặt chẽ, đặc biệt cần áp dụng hợp đồng mẫu đối với những dự án lớn, dự án vốn ODA, dự án công nghệ phức tạp, công nghệ mới hay các bên liên quan có yếu tố nước ngoài. Mỗi bên liên quan đều có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ hợp đồng từ đầu.
Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký VIAC cho biết, gần như toàn bộ các tranh chấp từ các hợp đồng theo mẫu đều có điều khoản trọng tài, phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khả thi cho các tranh chấp xây dựng lớn.
Hợp đồng tổng thầu EPC có tính phức tạp cao không chỉ đòi hỏi chuyên môn sâu về xây dựng và mẫu hợp đồng của những người giải quyết tranh chấp, mà còn về năng lực quản lý chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài của tổ chức hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Để giải quyết các tranh chấp này, theo ông Bắc, phương thức hòa giải thương mại là một lựa chọn phù hợp. Các quy định tại Chương 33 - Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cho phép một văn bản về kết quả hòa giải thành công có thể được tòa công nhận để có hiệu lực cưỡng chế thi hành.
Hòa giải thương mại hứa hẹn trở thành một lựa chọn khả thi nữa cho các bên khi có tranh chấp. Bởi với hòa giải thương mại, các bên kiểm soát được kết quả hòa giải, hiệu quả về cả thời gian và chi phí tố tụng.