Cần thời gian tích lũy để vượt ngưỡng kháng cự 600 - 610 điểm

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Đắc An, Giám đốc đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, hiện nay dòng tiền đầu cơ đang tham gia thị trường khá tích cực, nhưng vẫn cần thời gian tích lũy thêm để VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 600 - 610 điểm. 
Cho vay margin của các công ty chứng khoán hiện đạt khoảng 20.000 tỷ đồng Cho vay margin của các công ty chứng khoán hiện đạt khoảng 20.000 tỷ đồng

Cần thời gian tích lũy để vượt ngưỡng kháng cự 600 - 610 điểm ảnh 1
TTCK vừa chinh phục lại mốc 600 điểm trong phiên 7/4, ông đánh giá ra sao về xu hướng của thị trường trong ngắn hạn?

Ngày 7/4, VN-Index đã lấy lại mốc 600 điểm, nhờ sự tăng điểm của nhiều mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Chỉ số chung tăng điểm đã hỗ trợ tâm lý cho dòng tiền đầu cơ tham gia tích cực, giúp không khí giao dịch tương đối sôi động.

Có thể thấy, dòng tiền đầu cơ dù khá tích cực tham gia, nhưng mốc 600 - 610 điểm là ngưỡng kháng cự mạnh. Do vậy, cần có thêm thời gian tích lũy để vượt qua được mốc này, nếu không có thông tin vĩ mô hỗ trợ đủ mạnh. Trong ngắn hạn, thị trường có khả năng sẽ có những phiên tăng giảm đan xen theo xu hướng tích lũy, dòng tiền đầu cơ xoay vòng quanh các mã cổ phiếu theo thông tin của riêng từng mã.

Các DN niêm yết đang trong mùa ĐHCĐ, lại sắp công bố kết quả kinh doanh quý I/2014. Theo ông, liệu có xu hướng đầu tư theo kết quả kinh doanh của DN?

Kết quả kinh doanh của DN là một trong những yếu tố tác động đến giá của cổ phiếu. Trong bối cảnh các thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô đã được phản ánh gần như toàn bộ vào giá cổ phiếu như hiện nay thì thông tin từ DN sẽ là điểm mấu chốt tạo ra sự phân hóa giữa các mã cổ phiếu. Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I/2014 tốt hơn dự kiến, có nhiều thông tin tích cực trong kỳ họp ĐHCĐ chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư và của dòng tiền đầu cơ.

Dòng tiền đầu tư trung và dài hạn vẫn sẽ tìm đến các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, đặc biệt là các cổ phiếu của DN đầu ngành và các DN thuộc những ngành có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, dòng tiền đầu tư ngắn hạn cũng sẽ tập trung vào các cổ phiếu này để hạn chế rủi ro, vì những cổ phiếu này thường có mức giảm tương đối thấp so với thị trường chung.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy tín dụng ngay trong quý II. Điều này, theo ông sẽ tác động đến diễn biến của TTCK như thế nào và liệu có thêm dòng tiền mới đổ vào thị trường hay không?

Nguồn vốn được khơi thông và tín dụng được đẩy mạnh sẽ tác động rất tích cực tới nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Đối với nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng sẽ hỗ trợ các DN mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Nếu các ngân hàng mạnh để sửa đổi các quy định tín dụng theo hướng thuận lợi hơn cho DN và cá nhân thì dòng vốn tín dụng sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn. Với TTCK, dù muốn hay không, sẽ có dòng tiền mới từ nguồn vốn tín dụng này đổ vào thị trường và nguồn vốn rẻ này sẽ đẩy thị trường tăng điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do nhà đầu tư sử dụng triệt để dịch vụ margin do CTCK cung cấp. Ông đánh giá ra sao về mức độ sử dụng margin hiện tại của nhà đầu tư và làm thế nào để hạn chế những rủi ro từ chính nghiệp vụ này?

Bên cạnh sự hỗ trợ từ dòng vốn đầu tư từ các kênh khác chuyển sang, dòng tiền từ dịch vụ margin cũng đóng góp đáng kể cho sức tăng của TTCK trong thời gian vừa qua. Có những thống kê cho thấy, con số cho vay margin của các CTCK hiện đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.

Xét về rủi ro với thị trường và các CTCK, tôi cho rằng, mức sử dụng margin hiện tại chưa rủi ro, chừng nào các CTCK vẫn tuân thủ các quy định về tỷ lệ ký quỹ, mã cổ phiếu được cho vay margin… theo đúng quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Còn đối với các nhà đầu tư, mức độ rủi ro phụ thuộc nhiều vào chiến lược đầu tư, mã chứng khoán được lựa chọn và kế hoạch dự phòng nếu biến động của thị trường và giá chứng khoán không thuận lợi.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục