MekongInvest là hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên cấp vùng do VCCI Cần Thơ phối hợp với CLB các Trung tâm xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tổ chức.
MekongInvest 2017 có chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng- nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra vào ngày 25/10/2017, dự kiến có khoảng 200 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong vùng, đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến quốc tế và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tại Hội nghị, các tỉnh, thành trong vùng sẽ mời gọi đầu tư 24 dự án phát triển du lịch với tổng số vốn 7.800 tỷ đồng và 33 dự án bất động sản, hạ tầng với tổng vốn đầu tư 176.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, Hội nghị còn nhằm thảo luận, đề xuất cơ chế chính sách thông thoáng thu hút nhà đầu tư, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về các dự án mời gọi đầu tư và tổ chức kết nối giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước với chính quyền địa phương, đồng thời tổ chức các chuyến khảo sát thực tế giới thiệu dự án theo nhu cầu của nhà đầu tư.
Còn Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam- Nhật Bản lần thứ 3 sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ từ ngày 3- 5/11/2017 cũng là sự kiện quy mô cấp vùng, với sự tham dự lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng và Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ chức Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản...
Tại sự kiện này, có 15 gian hàng giới thiệu văn hóa và sản phẩm Nhật Bản, 15 gian hàng giới thiệu văn hóa và sản phẩm của Việt Nam, 90 gian hàng là khu vực dành cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, gồm: sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, logistics, giáo dục, dược phẩm, hàng tiêu dùng...
Trong khuôn khổ Chương trình còn diễn ra “Hội nghị chuyên đề về đầu tư Nhật Bản vào ĐBSCL” nhằm kết nối giao thương và kêu gọi hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ cho nông nghiệp, chế biến thực phẩm, phát triển y tế, đào tạo nhân lực...và Hội nghị kinh doanh châu Á lần thứ 59, cùng phiên đối thoại với đoàn 60 doanh nghiệp Nhật Bản, các nhà đầu tư và chuyên gia tại khu vực ĐBSCL, cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa- nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Vùng ĐBSCL hiện có 159 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2,111 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng, xử lý nước thải...Trong khi nông nghiệp là thế mạnh của vùng thì hiện nay thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực này chưa nhiều. Tuy nhiên, theo ông Lam, tình hình sẽ được cải thiện khi gần đây có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu, khảo sát đầu tư vào nông nghiệp trong vùng ĐBSCL.