Can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối có thể sẽ bị hạn chế trong thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhóm Nghiên cứu phân tích, Ban Kinh doanh Vốn & Tiền tệ BIDV cho biết, theo kinh nghiệm của các trường hợp bị gán mác thao túng tiền tệ trước đây, dự kiến tiếp theo 2 bên sẽ có khoảng thời gian để đàm phán và thương lượng nhằm làm rõ những vấn đề khúc mắc từ phía Mỹ.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Vào tối ngày hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo “Chính sách vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại đối với Mỹ” nhằm phát hiện các chính sách ngoại hối mang tính bất công mà các đối tác đang thực hiện để có lợi thế thương mại so với Mỹ.

Đáng chú ý trong đó, cơ quan này đã chính thức cáo buộc Việt Nam và Thụy Sỹ là những nước có hành vi thao túng tiền tệ. Cụ thể, theo số liệu lũy kế 12 tháng tính đến tháng 06/2020, Việt Nam đã vi phạm cả 3 tiêu chí mà Mỹ đưa ra đó là: Thặng dư thương mại lớn hơn 20 tỷ USD (58 tỷ USD); Thặng dư cán cân vãng lai lớn hơn 2% GDP (15 tỷ USD); Mua ròng ngoại tệ lớn hơn 2% GDP (17 tỷ USD).

Ngay đầu giờ sáng ngày hôm nay, NHNN Việt Nam cũng đã có thông cáo báo chí liên quan tới động thái trên của phía Mỹ, theo đó NHNN tiếp tục khẳng định việc điều hành tỷ giá trong những năm qua nhằm thực hiện mục tiêu nhất quan là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư cán cân thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của một loạt các yếu tố liên quan tới đặc thù kinh tế của Việt Nam, đối với động thái mua vào ngoại tệ của NHNN trong thời gian qua nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước cũng như tiếp tục củng cố dự trữ ngoại tệ quốc gia vốn vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

NHNN cũng tiếp tục khẳng định sự sẵn sàng hợp tác, phối hợp với các bộ ngành hữu quan để trao đổi làm rõ các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm, đồng thời vẫn sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng.

Nhóm Nghiên cứu phân tích, Ban Kinh doanh Vốn & Tiền tệ BIDV cho biết, theo kinh nghiệm của các trường hợp bị gán mác thao túng tiền tệ trước đây, dự kiến tiếp theo 2 bên sẽ có khoảng thời gian để đàm phán và thương lượng nhằm làm rõ những vấn đề khúc mắc từ phía Mỹ.

Về phía Việt Nam, việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối có thể sẽ bị hạn chế trong thời gian tới nhằm tránh làm căng thẳng thêm tình hình.

Ngoài ra, việc tăng nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Mỹ như máy móc thiết bị hay khí hóa lỏng nhằm vừa giúp giảm thặng dư cán cân vãng lai vừa giúp giảm thặng dư thương mại đối với Mỹ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục