Không phải lần đầu tiên, vấn đề này được đề cập, song mọi việc đang trở nên cấp bách hơn khi các quỹ đầu tư nước ngoài đã nhắc đến những lo ngại về thời điểm, về tốc độ và thậm chí cả sự sẵn sàng vượt qua rào cản để được tham gia vào thị trường start-up Việt - một thị trường tiềm năng, màu mỡ đang nổi lên.
Việt Nam sẽ không thể có tên trong bản đồ của đổi mới sáng tạo toàn cầu với sự hấp dẫn trọn vẹn, không thể là điểm hút của nhân tài và vốn liếng của thế giới nếu không giữ chân được chính các doanh nhân, những start-up người Việt an tâm chọn Việt Nam là nơi bắt đầu sự nghiệp. Việt Nam cũng không thể có tên trong bản đồ của đổi mới sáng tạo toàn cầu nếu không khuyến khích được chính các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam chọn đổi mới, sáng tạo là công cụ để phát triển.
Chìa khóa của mọi vấn đề vẫn là môi trường kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, hợp lý, hiệu quả, tiên liệu được, kiểm soát được chi phí, rủi ro thấp… Đặc biệt, trong xu thế phát triển của công nghệ, của Internet và dữ liệu lớn, môi trường kinh doanh phải sẵn sàng chấp nhận mọi sự thử nghiệm, những ý tưởng mới chưa từng có…
Các yếu tố trên của môi trường kinh doanh đang là mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm phải đạt được, thậm chí phải trở thành một trong 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất ASEAN. Nghị quyết 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 đã ghi rõ mục tiêu, thời hạn, giao việc cụ thể cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Còn hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự an tâm.
Ngay trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 5 vừa rồi, vụ việc thanh tra Công ty cổ phần Con Cưng đã được nhắc lại. Mặc dù nhiều công chức đã bị phê bình trong quá trình kiểm tra doanh nghiệp Con Cưng do vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, gây ra những hiệu ứng không tốt và dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc, làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng phần thiệt hại của doanh nghiệp đã không được đề cập. Trách nhiệm bồi thường doanh nghiệp cũng chưa được bộ này chủ động đặt ra.
Có lẽ phải nhắc lại những con số đáng quan ngại mà Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, công bố vào tháng 3/2019.
Đó là 53% trong số hơn 10.000 doanh nghiệp coi thỏa thuận thuế với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh; 69% doanh nghiệp cho biết cần có quan hệ để có được các thông tin cần thiết ở địa phương. Vẫn còn tới 6,42% doanh nghiệp bị thanh tra từ 5 cuộc trở lên trong 1 năm cho dù Chỉ thị 20/2017/CT-TTg chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đôi với doanh nghiệp yêu cầu không quá 1 lần/năm…
Ngay trong báo cáo về thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP gửi kỳ họp Chính phủ tháng 5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải nhắc đến nhiều bộ, ngành không thực hiện đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau các quyết định cắt giảm; chất lượng các đề xuất cắt giảm mới chưa thực chất, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thậm chí, hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này.
Thực trạng đó sẽ dẫn tới những bất an trong việc thực thi các quy định của pháp luật từ phía doanh nghiệp, nhưng cũng lại là dư địa cho các cách hành xử thiếu chuẩn mực của công chức nhà nước mà hệ quả là những tổn thất lớn cho doanh nghiệp, cả tiền bạc và quan trọng là niềm tin kinh doanh. Điều đáng nói, doanh nghiệp sẽ không thấy rõ con đường lớn lên bằng khoa học và công nghệ là cách duy nhất để cạnh tranh.
Một thể chế đảm bảo an toàn trong kinh doanh, hậu thuẫn cho sáng kiến, sáng tạo đang là chìa khóa để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của đổi mới, sáng tạo...