Cần thay đổi cách nghĩ về làm nhà ở thu nhập thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thách thức của việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Cần thay đổi cách nghĩ về làm nhà ở thu nhập thấp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân sáng 15/3, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) cho biết, dù đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều điểm nghẽn tiếp tục phải vượt qua để phục hồi, khởi sắc và phát triển bền vững. Cả thị trường vẫn phải đối diện và xử lý hàng loạt vấn đề như: Sự suy giảm tổng cầu; các vướng mắc về chính sách, pháp lý chưa được xử lý triệt để ảnh hưởng đến nguồn cung; trở ngại về dòng vốn gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà; thủ tục hành chính và quá trình thực thi chính sách, sự đồng hành cùng doanh nghiệp tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…

"Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để nhận diện, đánh giá đúng và tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp mang tính động lực trong bối cảnh mới là điều mà các chủ thể trên thị trường cần chú trọng”, ông Toan nhấn mạnh và cho biết, vấn đề được quan tâm nhiều là cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường bất động sản hướng đến nhu cầu thực, gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình dân…

Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó chủ tịch VNREA, Tổng Biên tập Reatimes phát biểu tại khai mạc

Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó chủ tịch VNREA, Tổng Biên tập Reatimes phát biểu tại khai mạc

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, khách mời đã thảo luận về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Luật Đất đai 2024 và những vấn đề đặt ra liệu có tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này hay không.

Thực tế cho thấy, thách thức của việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường, nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và Nhà đầu tư.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), có những dự án nhà ở xã hội quy mô 4.000 - 5.000 căn nhưng không hấp thụ được do người dân chưa có nhà có nhu cầu mua lại không đủ điều kiện thụ hưởng mua nhà ở xã hội. Khi không tiêu thụ được sản phẩm thì nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn đầu tư, khơi thông nguồn cung nhưng nghẽn ở phía cầu thì cũng tắc.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, chương trình nhà ở xã hội hiện nay đang được thiết kế trên tư duy mua - bán chứ không phải cho thuê. Cần xác định rõ đối tượng nhà ở xã hội với các vấn đề về thu nhập thực tế thay vì thu nhập danh nghĩa, bên cạnh đó là phân phối thu nhập và khả năng chi trả của đối tượng.

TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, với nhà ở xã hội, chính sách nên hướng đến thúc đẩy việc xây dựng để cho thuê nhiều hơn là để bán, để đáp ứng nhu cầu và phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân.

“Nếu không nghiên cứu kỹ, việc đẩy mạnh phát triển nguồn cung nhà ở xã hội có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đang phải đối mặt với rủi ro bán sai đối tượng. Còn người chưa có nhà thì không có khả năng mua, nếu mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay, như vậy chính sách nhà ở xã hội lại dồn gánh nặng vào vai người dân”, TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

LS. TS. Đoàn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn
LS. TS. Đoàn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn

Bàn về giải pháp, từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Trung Quốc…, LS. TS. Đoàn Văn Bình gợi mở một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Trong đó, ông Bình nhấn mạnh đến giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật bao gồm: Đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền; đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền; có chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở vừa túi tiền khi lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phân khúc cao hơn; Tham khảo kinh nghiệm ban hành chính sách khống chế giá trần nhà ở vừa túi tiền bao gồm cả giá bán và giá thuê nhà.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, cần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền, ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền…, qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng nhằm hạ giá nhà.

Đối với công tác quy hoạch, cần đổi mới dựa trên sự chú trọng quy hoạch và phát triển quỹ đất cho phát triển nhà ở vừa túi tiền, quy hoạch tăng mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng, tính toán tỷ trọng cơ cấu nhà ở vừa túi tiền trong tổng thể kế hoạch phát triển nhà ở theo năm/giai đoạn, quy định cụ thể tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị. Cùng với đó, cần chú trọng hơn việc quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội cũng như khuyến khích chuyển đổi không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục