Cần thanh tra dự án nhà ở xã hội IEC

(ĐTCK) Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), với việc dự án nhà ở xã hội IEC được rao bán như nhà ở thương mại có tiền chênh cả trăm triệu đồng như thông tin mà Báo Đầu tư Bất động sản phản ánh, Sở Xây dựng Hà Nội cần phải vào cuộc thanh tra dự án này.
Các sàn môi giới công khai quảng cáo và nhận hồ sơ mua nhà dự án nhà ở xã hội IEC Các sàn môi giới công khai quảng cáo và nhận hồ sơ mua nhà dự án nhà ở xã hội IEC

Theo ông Phượng, việc báo chí phát hiện, phản ánh những vấn đề bất thường tại dự án nhà ở xã hội IEC như môi giới quảng cáo bán hàng, có dấu hiệu thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, mà Sở Xây dựng Hà Nội không tiến hành thanh, kiểm tra để có câu trả lời cho dư luận là thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.

Không những vậy, ông Phượng cho rằng, theo như nội dung tại Văn bản 4807/SXD-QLN, ngày 12/6/2020 mà Sở Xây dựng Hà Nội trả lời Báo Đầu tư, cơ quan này đã không trả lời được những điểm chính là việc môi giới địa ốc quảng cáo, rao bán dự án như nhà ở thương mại và thu tiền chênh lệch có đúng quy định không, mà chỉ thống kê các văn bản từ chủ đầu tư thông tin lại cho báo.

Sở Xây dựng vẫn chưa kiểm tra hoạt động của chủ đầu tư, các sàn giao dịch, là những đối tượng trực tiếp mà báo phản ánh để thông tin đến cơ quan báo chí.

“Với chức năng quản lý về hoạt động kinh doanh bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, có thể thấy, nếu Sở Xây dựng vẫn né tránh việc kiểm tra công ty, sàn môi giới bất động sản thì càng thêm lo ngại nhiều vấn đề khuất tất xung quanh việc bán nhà ở xã hội tại dự án này”, luật sư Phượng nhất mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, xét về góc độ nhà ở xã hội, rất nhiều dự án ở Hà Nội có tình trạng thu “tiền chênh”. Tuy nhiên, điều đáng nói là người mua nhà rơi vào cảnh gần như buộc phải chấp nhận luật bất thành văn này. Điều này đã vô hình trung tạo cơ hội cho chủ đầu tư và các sàn môi giới địa ốc ăn số tiền chênh lệch, bỏ ngoài hợp đồng nhằm trốn thuế.

Do đó, theo ông Tuấn Anh, ngoài việc thanh tra định kỳ hàng năm, thì có thanh tra đột xuất với các dự án nhà ở xã hội khi phát hiện dấu hiệu sai phạm. Ở đây có rất nhiều nguồn, kênh thông tin để phát hiện sai phạm. Có thể qua công tác kiểm tra, phản ánh của báo chí, người mua nhà, dư luận xã hội… Khi nhà quản lý, cụ thể ở đây là Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện thấy điều bất thường tại các dự án nhà ở xã hội chẳng hạn như tại dự án nhà ở xã hội IEC, thì phải tiến hành thanh tra đột xuất.

“Ở dự án IEC, khi có các nguồn tin như báo đã nêu mà Sở Xây dựng không có văn bản trả lời chính thức, trực diện về nguồn tin đó cho thấy dấu hiệu thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc quản lý kinh doanh bất động sản”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, dư luận có quyền đặt vấn đề có hay không sự bao che, dung túng liên quan đến việc này. Đặc biệt, tình trạng nhà xã hội bán như nhà ở thương mại không chỉ diễn ra một lần, ở một chủ đầu tư, một công ty bất động sản, mà diễn ra ở nhiều dự án, đã được báo chí, người dân phản ánh trước đó.

“Sao lại để cho trường hợp này diễn ra công khai và lâu dài như vậy?”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, việc thanh tra sẽ làm rõ được những sai phạm hoặc minh oan cho doanh nghiệp, dự án, tạo niềm tin cho người mua nhà.

Theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án nhà ở xã hội IEC vẫn đang quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, trang tin của sàn địa ốc, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục