Cẩn thận, Nhà nước mất vốn...

(ĐTCK-online) Thực tế quản lý tài chính đã phát sinh một số vấn đề bất cập, gây khó cho doanh nghiệp và có thể mất vốn nhà nước.
Trong kinh tế thị trường, thương hiệu là một trong những nguồn lực của doanh nghiệp. Trong kinh tế thị trường, thương hiệu là một trong những nguồn lực của doanh nghiệp.

Sau ba năm thực hiện, Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, đã tạo điều kiện để các công ty nhà nước tăng quyền và tăng trách nhiệm, giảm thiểu sự can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng ngày. Tuy nhiên đến nay, trong thực tế đã phát sinh một số vấn đề bất cập, gây khó cho doanh nghiệp và có thể mất vốn nhà nước.

Trên nguyên tắc, các doanh nghiệp có quyền huy động vốn dưới các phương thức khác nhau (vay, phát hành trái phiếu...) để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, do không xác định về điều kiện và mức khống chế, nên nhiều công ty nhà nước có nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến khả năng thanh toán không đảm bảo, thậm chí, Nhà nước mất hết vốn và ôm thêm nợ là trường hợp không hiếm gặp. Thiết nghĩ, để giảm thiểu rủi ro về nợ của công ty nhà nước, Quy chế tài chính cần xác định hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, làm căn cứ để điều hành và giám sát.

Bên cạnh đó, trong việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác, quy định hiện hành không hạn chế phạm vi ngành nghề, lĩnh vực và quy mô đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp. Do đó, thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là TTCK, nhiều công ty nhà nước đã góp vốn để thành lập hoặc mua cổ phần, vốn góp tại nhiều doanh nghiệp khác, không cùng ngành nghề kinh doanh với mình. Hoạt động góp vốn cổ phần, mua chứng khoán thuộc hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp, có những rủi ro nhất định, cần có mức khống chế để không ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính (ngoại trừ doanh nghiệp chuyên ngành tài chính, tín dụng). Mặt khác, nên quy định, các công ty nhà nước không được dùng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm và không được vay vốn để trực tiếp đầu tư chứng khoán. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, hiện nay việc sử dụng thương hiệu, tài sản trí tuệ để góp vốn vào doanh nghiệp khác diễn ra khá phổ biến. Trong kinh tế thị trường, đây là một trong những nguồn lực của doanh nghiệp, vì vậy cần có sự bổ sung những quy định cụ thể về vấn đề này.

Trong Quy chế quản lý tài chính hiện nay, chưa có quy định về sử dụng tiền bán phần vốn nhà nước còn lại tại công ty cổ phần ở thời điểm được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu. Đòi hỏi từ thực tế cần có hướng dẫn cụ thể, vì đây là khoản vốn nhà nước giữ lại tại công ty cổ phần ở thời điểm cổ phần hoá, công ty nhà nước theo dõi và quản lý theo mệnh giá; do đó, tiền bán phần vốn nhà nước còn lại (hầu như cao hơn mệnh giá rất nhiều), sau khi trừ chi phí bán, cần được xác định là nguồn thu của Nhà nước.

Với các doanh nghiệp đặc thù, đang thực hiện chuyển đổi, được giao thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội, không có nguồn để trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, hiện đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế phân phối lợi nhuận, do chưa có quy định rõ ràng cho loại hình doanh nghiệp này. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp nhà nước quy định, phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước đầu tư, nếu không cần thiết bổ sung vốn nhà nước tại công ty nhà nước thì đại diện chủ sở hữu quyết định điều động về quỹ tập trung. Nhưng sau 3 năm thực hiện quy chế quản lý tài chính, vẫn chưa hình thành quỹ này, thực tế có một số doanh nghiệp thừa vốn, sử dụng vốn Nhà nước cấp để đầu tư chứng khoán, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả nhưng thiếu vốn; mặt khác, một số doanh nghiệp công ích có khó khăn nhưng chưa được bổ sung vốn và Nhà nước phải hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ ngân sách.

Hiện nay, các quy định về tiền lương, phụ cấp, quyền mua cổ phần phát hành thêm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác chưa được quy định rõ ràng.  Thực tế, bên cạnh việc được hưởng quyền lợi về tiền lương, phụ cấp ở tất cả các nơi làm đại diện, nhiều người đại diện đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi từ quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi.

Với những vấn đề phát sinh từ thực tế, Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác cần sớm được sửa đổi, để vừa gỡ khó cho doanh nghiệp vừa tránh thất thoát vốn nhà nước.                                     

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ