Cẩn thận “đu đỉnh” đất thổ cư Đông Anh

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 180 triệu đồng/m2 là giá những lô đất có hướng nhìn thẳng ra Dự án Vinhomes Cổ Loa, tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái.
Huyện Đông Anh đang dần “thay da, đổi thịt” nhờ hàng loạt dự án, công trình lớn. Ảnh: Thanh Vũ Huyện Đông Anh đang dần “thay da, đổi thịt” nhờ hàng loạt dự án, công trình lớn. Ảnh: Thanh Vũ

Đất trong ngõ cũng lên tới 90 triệu đồng/m2

Khi Dự án Vinhomes Cổ Loa được xây dựng ở huyện Đông Anh, thị trường phía Bắc Thủ đô bỗng trở thành tâm điểm mới của giới đầu tư. Đại dự án mới của Vinhomes nằm trên địa bàn các xã Đông Hội, Xuân Trạch, Xuân Canh và Mai Lâm của huyện Đông Anh. Dự án có tổng diện tích khoảng 387 ha và số vốn đầu tư lên tới hơn 42.000 tỷ đồng.

Ngoài Vinhomes Cổ Loa, huyện Đông Anh còn sở hữu một “siêu dự án” khác tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc có tên gọi là thành phố thông minh, chủ đầu tư là BRG và Sumitomo. Tổng diện tích sử dụng đất của “thành phố” này là 272 ha và số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD.

Với sự xuất hiện của hai dự án trên, những mảnh đất thổ cư xung quanh trở nên “nóng” hơn từng ngày. Theo chia sẻ của môi giới viên Phan Thái, trên địa bàn xã Xuân Canh, những lô đất ngoài mặt đường và có hướng nhìn thẳng ra Vinhomes Cổ Loa đang được rao bán với giá khoảng 160 - 180 triệu đồng/m2.

Đối với những thửa đất trong ngõ, ô tô vừa đủ để đỗ cửa, mức giá lên tới 90 triệu đồng/m2. Với các lô đất có ngõ trước nhà chỉ rộng khoảng 2 - 2,5 m, giá bán vẫn chạm mức 70 triệu đồng/m2. “Còn với các lô đất thổ cư gần Dự án thành phố thông minh của BRG, mức giá những thửa ngoài mặt đường là 120 triệu đồng/m2. Những mảnh trong ngõ cũng đã chạm ngưỡng 90 triệu đồng/m2”, anh Thái cho biết.

Bên cạnh việc “ăn theo” các dự án bất động sản, giá đất tại huyện Đông Anh còn được hưởng lợi từ các cây cầu bắc qua sông Hồng, đặc biệt là cầu Tứ Liên. Đây là công trình sẽ nối liền bờ Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.

Theo anh Thái, tại khu vực cầu Tứ Liên dự kiến xây dựng, giá các lô đất thổ cư đang leo ở mức 185 triệu đồng/m2. Khi công trình này chính thức được thi công, giá đất khả năng sẽ nhảy vọt lên 200 - 250 triệu đồng/m2.

Giới môi giới thừa nhận, giá đất Đông Anh đang ở mặt bằng rất cao và đã tăng gấp đôi so với giai đoạn cuối năm ngoái. Điều này xuất phát từ việc hầu hết chủ đất đang căn cứ vào giá bất động sản trong các dự án để làm thước đo tham chiếu.

“Trung bình các lô đất thổ cư đang có giá bằng 1/3 các căn liền kề tại dự án. Nếu tính theo cách này, giá đất khó lòng thấp hơn 100 triệu đồng/m2, bởi giá một căn liền kề cũng đã gần 300 triệu đồng/m2”, anh Thái cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả những lô đất nằm xa trung tâm huyện Đông Anh cũng đã có giá lên tới 30 triệu đồng/m2. Với tầm tài chính 2 tỷ đồng trở xuống, các nhà đầu tư gần như không thể “săn” được các mảnh đất có mặt tiền đẹp, đường rộng.

Tiết lộ thêm với phóng viên, các môi giới địa phương cho biết, 70% số bất động sản thổ cư đang được rao bán trong khu vực đều do những nhà đầu tư F1, F2 sở hữu. Gần như không có thửa đất nào được mua với mục đích ở thực. Cứ mỗi khi sang tên một vị chủ mới, mảnh đất lại bị đội lên cả tỷ đồng và đà tăng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cần có chiến lược khi mua đất Đông Anh

Anh Hải Triều, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm “thực chiến” tại huyện Đông Anh cho biết, thành công của một thương vụ địa ốc được quyết định ngay tại thời điểm nhà đầu tư bắt đầu xuống tiền. “Tôi cố gắng tìm mua những mảnh đất do người dân địa phương bán lại. Giá đất mà họ rao thường thấp hơn khá nhiều so với các nhà đầu tư. Nếu mua được những lô đất này, thì tỷ suất lợi nhuận lợi nhuận sẽ cao hơn”, anh Triều chia sẻ.

Khi chuỗi Dự án Vinhomes Ocean Park được triển khai ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) và tỉnh Hưng Yên, thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội trở nên sôi động. Khi Khu đô thị Vinhomes Smart City mang tới quận Nam Từ Liêm hơn 56 tòa căn hộ, thị trường địa ốc phía Tây cũng rần rần “nổi sóng”.

Dẫn chứng thực tế, nhà đầu tư này cho biết, cuối năm ngoái, một mảnh đất gần cầu Tứ Liên được người dân rao bán với giá khoảng 90 triệu đồng/m2. Rất nhanh sau đó, lô đất này có nhà đầu tư mua lại và chào bán với giá cao gấp đôi, khoảng 180 triệu đồng/m2. “Họ đang bán mức giá của tương lai. Với số tiền lớn như vậy, mảnh đất rất khó thanh khoản trong ngắn hạn. Hiện đa phần nhà đầu tư xác định sẽ ‘ôm’ đất này trong 3 - 5 năm”, anh Triều nhận định.

Theo dự đoán của nhà đầu tư này, từ nay đến cuối năm, đất thổ cư tại huyện Đông Anh sẽ khó tăng mạnh. Thời điểm hiện tại có thể coi là đỉnh giá. Vì vậy, những nhà đầu tư có khuynh hướng “lướt sóng” sẽ rất mạo hiểm nếu xuống tiền vào giai đoạn này.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, huyện Đông Anh đang sở hữu rất nhiều cơ hội để trở thành tâm điểm mới của thị trường bất động sản Thủ đô. Khởi đầu là thông tin lên quận, tiếp theo là sự hiện diện của hàng loạt công trình, dự án lớn như cầu Tứ Liên, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, tháp tài chính 108 tầng…

“Các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng để huyện Đông Anh ‘cất cánh’. Bên cạnh đó, dòng tiền đang có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư, thay vì ‘chôn chân’ trong ngân hàng. Tôi tin rằng, thị trường bất động sản ở đây sẽ sớm trở nên sôi động trong thời gian tới”, ông Điệp chia sẻ.

Theo vị chuyên gia, đà tăng giá “phi mã” của đất thổ cư Đông Anh không phải là điều khó hiểu, khi các dự án xung quanh đã có giá lên đến hàng trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông. Tuy nhiên, vấn đề thực sự mà nhà đầu tư cần quan tâm chính là tính thanh khoản và đặc điểm của phân khúc.

“Đất Đông Anh hợp với những người có ‘gu’ đầu tư dài hạn theo hướng ‘đắt bán chơi, rẻ để đấy’. Còn với những người sử dụng đòn bẩy tài chính, đây sẽ là một thương vụ rất nguy hiểm. Bởi lẽ, khả năng thanh khoản của khu vực này còn hạn chế và bản thân đất nền không có khả năng tạo dòng tiền”, ông Điệp nhận định.

Thanh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục